Home > Giáo dục lịch sử ở Việt Nam > Phan Bội Châu và phong trào Đông Du (26)

Phan Bội Châu và phong trào Đông Du (26)


Kiểm tra 45 phút

Môn: Lịch sử

Đề bài: Đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh triều đình Huế đã kí hiệp ước đầu hàng và phong trào Cần Vương bị đàn áp đẫm máu, nhà yêu nước Phan Bội Châu cùng những người đồng chí hướng đã lập ra Hội Duy tân (1904) và khởi xướng phong trào Đông Du. Hưởng ứng phong trào, hàng trăm thanh niên đương thời đã tình nguyện lên đường sang Nhật du học. Em hãy đóng vai là một trong những người thanh niên ấy để gửi thư cho nhà yêu nước Phan Bội Châu bày tỏ rõ lý do hưởng ứng cùng những dự định của bản thân khi học tập ở Nhật và sau khi tốt nghiệp về nước.

Bài Làm

 

Kính gửi chú Phan Bội Châu! Cháu là Linh. Cháu rất vui vì được hưởng ứng phong trào Đông Du của chú. Thật đáng căm phẫn khi triều đình Huế lại bỏ qua cơ hội đuổi Pháp ra khỏi đất Việt, tự làm khổ nhân dân mình khi kí hiệp ước Pa-tơ-nốt với bọn thực dân. Không những thế, triều đình lại không thực hiện những cải cách mà lại tự khép kín mình. Điều này chỉ có lợi cho Pháp. Vậy nên dân chúng lầm than, bị bóc lột kinh khủng. Ở nơi cháu ở, mọi người thiếu ăn thiếu mặc đôi khi còn bị đánh đập đến thừa sống thiếu chết vì không có tiền nộp sưu. Mặc dù rất cố gắng nhưng mọi người vẫn không thể làm gì ngoài việc nhìn bọn họ bị quân Pháp hành hạ, đau đớn biết bao.

Khi nghe thấy phong trào của chú, lòng cháu cảm thấy bồn chồn, rạo rực. Đây là một cơ hội lớn để mọi người có thể thể hiện lòng yêu nước, đưa dân tộc này đi lên, thoát khỏi sự đen tối. Là một thanh niên trẻ, cháu cũng muốn được góp sức, bởi cháu biết, nếu cố gắng học tập, cháu và những thành viên khác nữa có thể cứu đất nước này, thoát khỏi sự áp bức của Pháp. Sẽ không còn cảnh nhân dân khổ đau bị hành hạ mà là một đất nước bình đẳng, vững mạnh. Vậy nên cháu muốn theo chú, theo phong trào Đông Du. Nếu được sang Nhật, cháu sẽ cố gắng học tập và tìm tòi. Nhật là một đất nước hùng mạnh, phát triển, có nền văn minh hiện đại. Cháu sẽ học tất cả những gì họ dạy, tìm hiểu về văn hóa, công nghệ của họ. Những gì Nhật làm trước nguy cơ bị xâm lược khác hoàn toàn so với những gì nhà Nguyễn đã làm. Năm 1868 khi lên ngôi, Thiên hoàng Minh Trị đã thực hiện một loạt các cải cách tiến bộ nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng phong kiến lạc hậu còn triều đình nhà Nguyễn thì lại bác bỏ những cải cách đó. Nếu ta biết học theo Nhật sớm hơn thì đã không có ngày này. Nhưng không có gì là quá muộn. Cháu tin, nếu cố gắng, ta vẫn có thể dựng đất nước này lên. Cháu sẽ cố gắng tìm hiểu về lịch sử của nước Nhật, xem lại những gì họ đã làm để học theo. Sau khi về nước, cháu sẽ truyền đạt điều này đến toàn thể nhân dân. Cháu sẽ dạy cho tất cả mọi người những gì mà cháu học được, khai sáng đầu óc cho họ. Rồi từ đó, cháu với họ sẽ cùng nhau nghiên cứu tìm giải pháp cho đất nước. Một người không thể nhưng với hàng trăm người được đi du học thì việc cách tân sẽ rộng rãi hơn.

Nếu được đi du học, cháu sẽ cố gắng học tập để không phụ công chú, đồng thời sẽ chăm chỉ, nghiên cứu để đạt được mục đích của phong trào Đông Du là chuẩn bị lực lượng hùng mạnh cho nước nhà.

 

(NHL, nữ, học sinh lớp 8)

  1. No comments yet.
  1. No trackbacks yet.

Leave a comment