Archive

Archive for June, 2015

Nhật Bản công bố kết quả điều tra về mối quan hệ giữa “hoạt động trải nghiệm” và “năng lực đời sống”.

June 29, 2015 Leave a comment

Báo giáo dục Nhật Bản ngày 14 tháng 5 đưa tin tổ chức có tên “Cơ quan chấn hưng giáo dục thanh thiếu niên quốc lập” vừa công bố kết quả điều tra về mối quan hệ qua lại giữa các hành vi-kĩ thuật liên quan đến đời sống (kĩ năng đời sống) với tư cách là một yếu tố của “năng lực sống” với các “hoạt động trải nghiệm”.

Cuộc điều tra được tiến hành thông qua bảng hỏi với đối tượng là  17.282 học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở các trường quốc lập trên toàn quốc và 7834 phụ huynh.

Trong cuộc điều tra này, tổ chức nói trên đã phân chia các phẩm chất, năng lực cần thiết cho vận hành cuộc sống tự lập thành 5 nhóm là “Kĩ năng giao tiếp”, “Kĩ năng xã giao và phong cách”, “kĩ năng sinh hoạt-làm việc nhà”, “kĩ năng quản lý sức khỏe” và “kĩ năng giải quyết vấn đề”. Trên cơ sở đó, tiến hành phân tích mối quan hệ giữa các hoạt động trải nghiệm với các kĩ năng nằm trong 5 nhóm trên.

Kết quả cho thấy ở các gia đình mà bố mẹ tạo điều kiện cho con “tham gia vào vô số các hoạt động ngoài học tập” và “đánh thức con dậy sớm cả vào các ngày nghỉ”, trẻ em có  kĩ năng đời sống cao. Trong khi đó trẻ em  ở các gia đình bố mẹ chỉ dừng lại ở việc “khuyến khích-mắng mỏ” kiểu “Cố lên con” không có kĩ năng đời sống cao.

Kết quả điều tra cũng cho thấy những trẻ có các trải nghiệm giữa thiên nhiên, thường hay giúp đỡ gia đình và chăm đọc sách có kĩ năng đời sống cao. Trái lại những trẻ hay chơi game có kĩ năng đời sống thấp. Ví dụ như ở nội dung điều tra về mối quan hệ giữa việc “thường xuyên tham gia vào hoạt động ở địa phương” và “kĩ năng giao tiếp” thì  38.8% số trẻ có kĩ năng cao là nằm trong nhóm các trẻ “thường xuyên tham gia” trong khi nhóm trẻ “không tham gia” mà có kĩ năng cao chỉ chiếm 23.1%.

Cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng những trẻ “hay chơi giữa thiên nhiên” và “làm việc nhà” chiếm tỉ lệ lớn trong nhóm các trẻ có kĩ năng cao. Những trẻ có “kĩ năng xã giao và phong cách” cũng là những trẻ cảm thấy “tự tin với việc học tập” và những trẻ có “kĩ năng quản lý sức khỏe” đồng thời cũng cảm thấy “hài lòng với đời sống trường học”.

Nhìn tổng thể, kết quả của cuộc điều tra đã chứng minh rõ mối quan hệ mật thiết giữa mức độ phong phú của đời sống trường học và kĩ năng đời sống với ý thức về tự lập.

Dự kiến kết quả điều tra này sẽ được sử dụng để thiết kế nên cẩm nang hướng dẫn hoạt động trải nghiệm, học tập kĩ năng đời sống và kiểm tra kĩ năng đời sống.

Nguyễn Quốc Vương

Thôn Sấu qua những tấm ảnh

June 28, 2015 Leave a comment

Trân trọng giới thiệu với các bạn hình ảnh Thôn Sấu “dọc hành chấm đứng” của tôi qua cái nhìn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vương Lâm (6/2015)

IMG_0492 copyIMG_0503 copy22IMG_0601 copyIMG_0619 copyIMG_0631 copyIMG_0856 copy

Kinh phí không phải là chìa khóa thành công của cải cách giáo dục

June 28, 2015 Leave a comment

Lâu nay khi bàn về cải cách giáo dục, vấn đề kinh phí dành cho nó thường được giới truyền thông và dư luận dành cho nhiều sự “ưu ái”.
Câu hỏi đặt ra là “liệu có thể cải cách giáo dục mà không cần đến quá nhiều tiền hay không?”.
Có thể.
Cuộc cải cách giáo dục thời hậu chiến ở Nhật Bản (1945-1950) là một ví dụ.
Chiến tranh kéo dài và kết cục bại trận bi thảm đã đặt gánh nặng tài chính lên vai toàn bộ quốc dân Nhật.
Giáo dục mới ở Nhật Bản đã xuất phát từ trong bối cảnh khó khăn ấy.

Tài chính dành cho giáo dục trở thành mối lo lắng hàng đầu của chính phủ. Chẳng hạn vào năm 1947, theo tính toán Bộ giáo dục cần tới 6 tỉ 800 triệu Yên trong đó có 4 tỉ 300 triệu yên dành cho kiến thiết trường học. Tuy nhiên Bộ tài chính tuyên bố chỉ có 800 triệu yên để trả lương cho giáo viên làm việc trong hệ thống giáo dục nghĩa vụ. Hệ thống giáo dục nghĩa vụ 9 năm theo mô hình mới 6-3 (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở) khi đó là xương sống của cuộc cải cách.

Vấn đề tài chính cho giáo dục là chủ đề nghị sự chính của Quốc hội. Chẳng hạn trong một phiên họp năm 1947 khi bị chất vấn rằng Bộ giáo dục sẽ phải làm gì để đối phó với vấn đề tài chính trong giáo dục, Vụ trưởng HIdaka đã đáp rằng “nước Nhật bại trận chỉ còn cách là trông đợi tuyệt đối vào thanh thiếu niên-những người gánh vác nước Nhật tương lai. Do vậy cần đến cuộc cải cách giáo dục triệt để. Tuy nhiên hiện nay thì việc đem lại cho mỗi học sinh một cuốn sách giáo khoa cũng không thể làm được”. Khung cảnh phiên họp ấy về sau được tái hiện trong dòng hồi tưởng của nhân chứng: “Giữa chừng vụ trưởng nghẹn lời rơi nước mắt, bất chấp những lời đã phát biểu trước đó, cuối cùng Vụ trưởng khóc nấc lên. Từ chủ tịch Ủy ban cho tới các ủy viên đều bị ảnh hưởng. Ủy ban trong khoản năm phú không có ai lời nào..”.

Các trường học trên toàn quốc đương nhiên phải đối mặt với hiện thực đầy thách thức. Đây là tình hình hiện trường giáo dục đương thời được Ozaki Mugen ghi lại trong cuốn “Cải cách giáo dục Nhật Bản”: “các lớp học ghép hai, ghép ba, các ngôi trường dựng tạm tồi tàn hay các lớp học ngoài trời là tình trạng phổ biến. Đặc biệt các trường trung học cơ sở, phần lớn đều không kịp xây mới nên lâm vào trình trạng phải mượn các trường tiểu học và học sinh phải mang ghế, bàn từ nhà tới trường. Ba học sinh ngồi chung một bàn, một tấm ván được bắc lên giữa hai chiếc ghế để tạo ra có đủ chỗ ngồi cho nhiều người là tình trạng thường thấy. Rất nhiều trưởng thôn, làng, khu phố bị đẩy vào cảnh bị miễn nhiệm, từ chức hay triệu hồi vì vấn đề kiến thiết trường học”. Bên cạnh đó còn có rất nhiều người tự sát…”

Trong tình cảnh đó, cải cách giáo dục hậu chiến vẫn diễn ra như vũ bão và 15-20 năm sau đã làm thay đổi hoàn toàn Nhật Bản.

Như vậy, “tiền” không hẳn là chìa khóa tạo ra thành công của cải cách giáo dục vậy cái gì đã tạo ra điều “thần kỳ” ấy.

Sách giáo khoa lịch sử lớp 12 ở Việt Nam trong phần viết về lịch sử Nhật Bản hiện đại có nêu ra 4, 5 nguyên nhân giải thích sự thành công của Nhật Bản nhưng tiếc rằng nguyên nhân quan trọng nhất và có tính chất quyết định các nhân tố còn lại chưa từng được đề cập tới.
Có dịp tôi sẽ lại bàn về điều đó.

Nguyễn Quốc Vương 

Sinh con ở Nhật (II)

June 26, 2015 Leave a comment

                     

  1. Từ khi nhập viện đến khi ra viện

Thông thường khi khám bác sĩ sẽ dự đoán ngày sinh. Nhưng trên thực tế thì em bé thường sinh sớm hơn hoặc muộn hơn dự tính. Đến các tuần cuối gần ngày dự sinh, y tá sẽ hướng dẫn cách thức liên lạc với bệnh viện khi bà bầu trở dạ qua điện thoại. Dựa trên các dấu hiệu mô tả bệnh viện sẽ quyết định thời điểm nhập viện.

Thời gian ở viện thường là từ 5 ngày đến một tuần nếu không có gì bất thường. Đáng chú ý là trong thời gian ở đây bệnh viện sẽ tiến hành kiểm tra “thính lực” và xét nghiệm máu để phát hiện các bệnh bẩm sinh.

Trước khi ra viện bệnh viện sẽ cấp cho hai tờ giấy “khai sinh” . Viện phí có thể nộp khi ra viện hoặc nộp sau qua ngân hàng khi ra viện vào ngày nghỉ.
Chi  phí cho một ca sinh đẻ ở Nhật vào khoảng 80-100 triệu tiền Việt nhưng chính phủ sẽ hỗ trợ 42 vạn yên Nhật vì vậy gần như là đủ. Những chi phí phát sinh như nằm phòng riêng, tiêm chủng… sẽ phải chi trả riêng.

  1. Các thủ tục cần thiết sau khi sinh

 

Sau khi sinh trong vòng 30 ngày sẽ phải làm thủ tục đăng ký nhân khẩu với tòa thị chính và đề nghị cấp thẻ cư trú ở cục quản lý nhập cư của Nhật. Để đăng ký nhân khẩu cần đến tờ giấy khai sinh bệnh viện đã cấp. Thủ tục này rất đơn giản. Sau một ngày bạn sẽ nhận được giấy chứng sinh chi tiết của thành phố. Bạn nên xin hai bản vì một bản sẽ dùng cho việc làm hồ sơ đề nghị cấp thẻ cư trú ở cục quản lý nhập cư và một bản nộp cho lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka hay Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo để làm giấy khai sinh, hộ chiếu.

Các thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội dành cho em bé cũng sẽ được tiến hành luôn ở đây. Nhân viên tòa thị chính sẽ yêu cầu bạn khai số tài khoản để thành phố cấp các khoản chi phí phúc lợi liên quan như tiền trợ giúp nuôi trẻ, tiền hoàn trả viện phí khi vượt quá 1000 yên/tháng. Con bạn cũng sẽ có cơ hội nhận được quà tặng, phiếu giảm giá hoặc miễn phí để sử dụng các cơ sở vui chơi trong thành phố. Nhân viên tòa thị chính cũng sẽ hướng dẫn bạn mang theo các giấy tờ cần thiết để sang Cục quản lý nhập cư làm thủ tục cấp thẻ cư trú cho em bé. Thủ tục ở đây cũng rất đơn giản và sau 30 phút bạn có thể nhận được thẻ.

Sau một tuần tòa thị chính sẽ gửi tới nơi bạn ở thẻ bảo hiểm y tế và giấy chứng nhận được hỗ trợ y tế. Khi đưa con đi khám chữa bệnh bạn nhớ trình chúng để được giảm chi phí.

Bạn cũng đừng quên thông báo cho “trạm y tế” nơi bạn sống bằng tờ thông báo theo mẫu có trong cuốn sổ tòa thị chính đã phát cho trước đó. Họ sẽ cử người đến khám và kiểm tra cân nặng khi em bé tròn một tháng tuổi.
Bệnh viện cũng sẽ khám lại cho hai mẹ con sau một tháng và cho em bé một lần nữa vào tháng thứ sáu.

Tòa thị chính cũng sẽ gửi cho tới tận nơi ở tài liệu hướng dẫn về tiêm chủng kèm các phiếu tiêm chủng miễn phí. Bên cạnh đó sẽ có những vắc-xin tự nguyện mà nếu muốn tiêm bạn sẽ phải trả 100% chi phí.
Cuối cùng sẽ là thủ tục khai sinh cho bé với cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Danh sách các giấy tờ cần thiết (tờ khai, bản sao hộ chiếu, bản sao thẻ cư trú, ảnh…) có thể tìm thấy trên trang web. Bạn cũng nên gọi điện cho nhân viên sứ quán để được hướng dẫn thêm. Để tiện lợi bạn có thể tham khảo thông tin từ những người đã từng làm thủ tục trước đó.

                                                       Hết

Categories: Nhật Bản

Bảy  đặc trưng của trường đại học Nhật Bản

June 26, 2015 Leave a comment

Nghe tiêu đề to tát thế thôi nhưng bài này viết để  vui là chính. Trong thời gian ở Nhật tôi có dịp học và lang thang qua nhiều trường đại học của Nhật. Mỗi trường có những  đặc trưng riêng làm nên bản sắc nhưng nhìn ở bình diện khái quát bên ngoài, các trường đại học Nhật chia sẻ 7  đặc trưng sau.

  1. Không nằm trong trung tâm thành phố hoặc khu dân cư đông đúc

Ở Nhật cũng có những trường đại học nằm ở trong trung tâm thành phố nhưng rất ít. Đa phần các trường đại học  nằm ở những nơi thuộc vùng ngoại ô hoặc cách biệt với “phố phường nhộn nhịp”. Thông thường các trường sẽ được “đặt” nằm giữa thiên nhiên. Ở đó có rừng cây, bãi cỏ, có hoa dại ven đường và …thú rừng.  Ở nhiều trường vào mùa xuân sinh viên thường  nhận được email cảnh báo của nhà trường về sự xuất hiện của gấu hoặc lợn rừng ở gần khu vực trường.  Cái hay của việc đặt trường đại học giữa thiên nhiên là  tạo không gian rộng rãi, không khí trong lành và “khoảng lặng” cho các hoạt động học thuật. Cái dở là đem lại  nỗi buồn  cho tuổi trẻ khi đêm xuống và bất tiện về giao thông khi thời tiết xấu.

  1. Cổng trường hầu như không đóng

Ở Việt Nam hình ảnh cánh cổng trường làm bắt tấm sắt nặng nề là hình ảnh quen thuộc. Đêm xuống, cổng các  trường đại học ở Việt Nam thường được khóa lại cẩn thận. Ở Nhật Bản thì khác. Phần lớn các trường đại học đều có cổng. Nhưng dường như chúng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng bởi tường ngăn rất thấp. Cổng trường cũng rất ít khi đóng lại.

Buổi tối sinh viên  vẫn có thể ra vào trường tương đối thoải mái. Đương nhiên muốn vào các tòa nhà hay các phòng nghiên cứu thì cần phải có thẻ sinh viên.

  1. Sự phức tạp của các khoa ngành và sự phổ biến của các phòng nghiên cứu

Trong mắt người Việt Nam có lẽ cấu tạo của các trường đại học ở Nhật rất… rắc rối và khó hiểu. Cách gọi thông thường ở Việt Nam như “trường”, “khoa”, “tổ bộ môn” không đắc dụng đối với cách thức tổ chức của Đại học Nhật. Các ngành học cũng vậy. Ngoài các ngành thường thấy ở Việt Nam ở đại học Nhật sẽ có vô số các ngành học  nghe rất “lạ tai” ít thấy ở các đại học Việt Nam. Đằng sau sự khác biệt đó là sự  khác biệt về bối cảnh lịch sử ra đời các trường đại học ở hai nước và những biến thiên  từ đó cho tới ngày nay. Sự phức tạp trong cơ cấu tổ chức và ngành học này đôi khi gây rắc rối cho du học sinh Việt Nam khi làm thủ tục du học hay công chứng văn bằng tốt nghiệp. Thông thường ở Việt Nam các “phòng nghiên cứu” ở trường đại học không mấy phổ biến. Trừ các trường đặc thù hoặc liên kết quốc tế thì chuyện mỗi khoa chỉ có một phòng “thí nghiệm” là chuyện… “thường ngày”. Đấy là các khoa liên quan đến khoa học tự nhiên, kĩ thuật còn các khoa xã hội thì thường chỉ có phòng “tổ bộ môn” dùng chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên ở Nhật sự tồn tại của các phòng nghiên cứu là phổ biến. Sinh viên, đặc biệt là các sinh viên năm thứ 3, 4 đại học và sinh viên sau đại học sẽ làm việc ở các “lab” (phòng nghiên cứu) dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo sư là chủ yếu. Các “phòng nghiên cứu”  của các khoa tự nhiên-kĩ thuật thường có quy mô và tổ chức chặt chẽ hơn các phòng nghiên cứu của các khoa xã hội-nhân văn. Sinh viên ngành xã hội-nhân văn có thể cắp sách đọc ở bất cứ đâu nhưng sinh viên ngành tự nhiên-kĩ thuật thường sẽ phải “túc trực” ở phòng nghiên cứu trong phần lớn thời gian ở trường.

  1. Không có hàng quán quanh trường

Đây là một điều…kỳ lạ. Quanh các trường đại học Nhật hầu như không có hàng quán. Không mấy trường đại học Nhật bị bao vây bởi quán café-internet, nhà nghỉ, bia hơi, cháo lòng-tiết canh, sửa chữa xe pháy, photocopy, cầm đồ… như ở Việt Nam.  Quanh trường đại học Nhật nếu không phải là nhà dân thì thường là…rừng hay sông suối. Vì thế đương nhiên sẽ không bao giờ được thấy cảnh trai thanh nữ tú ngồi gác chân uống nước chè “chém gió” quanh trường. Bù lại ở trong trường có các quán cà phê kiêm bán đồ ăn nhẹ phục vụ sinh viên.

  1. Yên tĩnh về đêm

 

Ở Việt Nam thông thường cho đến trước 12 giờ đêm, khuôn viên  trường đại học vẫn tương đối  náo nhiệt. Sự hoạt động của hàng quán, các giảng đường với các lớp học đêm cùng các cuộc vui chơi “hẹn hò” của sinh viên tạo ra sự náo nhiệt đó. Đại học Nhật thì ngược lại. Sau 6 giờ tối sân trường chỉ còn lại cây và..gió. Nếu vào mùa đông sẽ chỉ còn mình tuyết trắng rơi. Đương nhiên vẫn có những phòng nghiên cứu sáng đèn. Nhưng xét toàn thể thì cả khuôn viên vắng lặng đến…rùng mình.

  1. Có hệ thống nhà thi đấu và sân vận động phục vụ hoạt động thể thao

Thực ra điều này không lạ ngay cả đối với phần lớn các trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên xét về quy mô và mức độ chuyên nghiệp thì có lẽ sẽ còn mất rất nhiều thời gian nữa đại học Việt Nam mới tiến kịp. Nhìn vào hệ thống nhà thi đấu, sân vận động của các trường đại học Nhật sẽ thấy không khó trả lời cho câu hỏi tại sao thể thao Nhật Bản có được thành tích tốt như vậy. Đơn giản như chuyện bóng đá. Mỗi lần đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Thái Lan là người Việt lo đến…thót tim trong khi Nhật Bản-một nước châu Á cùng “máu đỏ da vàng” dân số  và diện tích không lớn hơn Việt Nam  nhiều đang giành giật các thứ hạng với các đội bóng mạnh nhất của thế giới.

  1. Hoạt động tự trị của sinh viên

Nếu nhìn từ con mắt của người Việt thì sinh viên Nhật vô cùng “vô tổ chức”. Không hề tồn tại tổ chức “lớp” với đội ngũ cán bộ lớp đủ các ban bệ. Ngoài học hành sinh viên Nhật tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ. Các câu lạc bộ này hoàn toàn do sinh viên tự tổ chức và điều hành. Có rất nhiều câu lạc bộ : Judo, Karatedo, Thiếu lâm, Thư pháp, Nhảy nghệ thuật, Đua thuyền, Cưỡi ngựa, Bắn cung, Văn học thiếu nhi, Thơ, Đọc sách,…. Hàng năm vào tuần đầu sau khi nhập học các thành viên trong câu lạc bộ sẽ vác biển quảng cáo ra sân trường hoặc trước của giảng đường để “chăn” các sinh viên mới vào. Có thể nói không sợ sai rằng chính các câu lạc bộ này đã tạo ra sức sống và sức hấp dẫn của các trường đại học Nhật. Ngoài các câu lạc bộ thể thao ở một số trường đại học Nhật còn tồn tại cả các Ủy ban tự trị sinh viên. Một tổ chức tập hợp sinh viên khá mạnh. Lãnh đạo của Ủy ban được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Đây là Ủy ban có tiếng nói phản biện các chính sách của nhà trường có ảnh hưởng tới học tập và đời sống của sinh viên chẳng hạn như chính sách học phí. Ủy ban này cũng có thể mời các diễn giả đến trường diễn thuyết về các chủ đề mà sinh viên quan tâm. Chẳng hạn ở trường tôi đang theo học, Ủy ban này thường mời các diễn giả là luật sư, nhà báo, nhà nghiên cứu tới diễn thuyết xung quanh vấn đề chính sách ngoại giao và quân sự của chính phủ Nhật Bản hiện tại. Theo dõi các áp phích dán trên các giảng đường và nội dung tóm tắt của các buổi diễn thuyết thì thấy Ủy ban sinh viên ở đây chủ trương phản đối việc thực thi “quyền phòng vệ tập thể” của thủ tướng Abe.

***

Cuối cùng cũng cần  nhắc đến một thực tế rằng ở Nhật Bản hiện tại thời đại “ai ai cũng tốt nghiệp đại học” đang tiến đến sát gần. Đương nhiên khác với đồ điện tử gia dụng, không phải cứ “made in Japan” là tốt. Bên cạnh các trường đại học nghiêm túc, nghe nói  ở  Nhật Bản cũng có những trường đại học mà học sinh có thể vào học rất dễ dàng và sau khi tốt nghiệp xong thì “không biết làm gì”. Cũng  lại nghe nói người Nhật khi tuyển dụng hay đánh giá học vấn người khác  thường có thói quen chú ý đến chuyện người đó học ở trường nào thay vì thành tích học tập. Nếu thế dễ hiểu vì sao các trường đại học vốn là Đại học đế quốc từ thời Minh Trị và các đại học tư thục được sáng lập trong thời kỳ này luôn là mơ ước của rất nhiều thanh niên Nhật.

Nhật Bản

26.6.2015

Nguyễn Quốc Vương

 

Sinh con ở Nhật

June 24, 2015 Leave a comment

Có nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi về các thủ tục, công việc  có liên quan đến chuyện sinh con ở Nhật nên tôi tóm tắt ở đây những gì gia đình tôi đã trải qua  để các bạn tham khảo. Tùy theo từng địa phương có thể sẽ  có sự khác biệt nhất định. Ngoài ra có thể tôi quên  hoặc nhớ không chính xác vài việc nên mong các bạn thông cảm. Tôi sẽ tóm tắt toàn bộ những việc có liên quan thành  3 nội dung chính.

  1. Khám thai  và chuẩn bị sinh
  2. Từ khi nhập viện đến khi ra viện
  3. Các thủ tục cần thiết sau khi sinh.

Hy vọng những thông tin này sẽ có ích cho những bạn sống ở Nhật có hoàn cảnh tương tự

                                       Khám thai và chuẩn bị sinh

 

  1. Khám lần đầu

 

Khi các bà mẹ nghĩ mình có em bé thì việc đầu tiên cần làm là dùng que thử để kiểm tra. Ở Nhật que thử thai có bán ở các hiệu thuốc và có thể mua dễ dàng. Việc này có ý nghĩa nhất định vì khi đến phòng khám hay bệnh viện hoặc khi bạn điện thoại cho bác sĩ để nhờ tư vấn, bác sĩ sẽ hỏi “anh (chị) đã  “test” thử hay chưa?”. Tiếp theo là đưa bà bầu đến bệnh viện khám. Ở Nhật có mật độ  bệnh viện, phòng khám khá lớn.  Tuy nhiên bạn cần tìm hiểu để đưa bà bầu đến khám ở các phòng khám chuyên về sản khoa hoặc các bệnh viện có khoa sản. Thông tin về các phòng khám, bệnh viện có thể tìm kiếm trên internet hoặc hỏi những người đồng hương sống ở gần bạn hay những người Nhật sống trong vùng. Ở Nhật chế độ bảo hiểm  được áp dụng cho cả các phòng khám tư nhân và bệnh viên công tuy nhiên theo trải nghiệm của tôi thì chi phí khám ở phòng khám tư sẽ đắt hơn 1.5 lần  so với ở bệnh viện công. Vợ tôi khám 2 lần đầu tiên ở phòng khám tư gần nhà sau đó xin giấy giới thiệu để lên bệnh viện công (trực thuộc trường đại học). Một số bệnh viện như bệnh viện trực thuộc trường đại học nói trên sẽ áp dụng chế độ “đặt trước” vì vậy trước khi đưa bà bầu đi khám các bạn cần liên hệ trực tiếp hoặc qua điện thoại để đặt lịch. Nếu bạn không nói được tiếng Nhật, giải pháp tốt nhất là bạn nhờ một ai đó  hoặc nhờ chính bác sĩ ở phòng khám tư đã khám cho bà bầu liên lạc giúp.

Cần lưu ý một điều rằng các bệnh viện công thường sẽ yêu cầu có giấy giới thiệu. Giấy giới thiệu này sẽ xin ở phòng khám nơi bà bầu đến khám lần đầu tiên. Nếu không có giấy giới thiệu, bệnh viên công sẽ tính thêm phí trong lần khám đầu tiên. Khi bác sĩ viết giấy giới thiệu bạn có thể nhờ bác sĩ này giới thiệu cho bác sĩ nào đó ở viện mà bạn mong muốn trong trường hợp bạn đã tham khảo thông tin từ những người đã từng khám và sinh con ở đó hoặc người dân trong vùng.

  1. Khám định kỳ

 

Ở  lần khám đầu tiên ở bệnh viện theo lịch hẹn trước (cũng có bệnh viện không cần đặt lịch trước), bệnh viện sẽ làm thẻ khám bệnh (thẻ điện tử) cho bà bầu. Thẻ này sẽ lưu giữ các thông tin cần thiết phục vụ cho mỗi lần tới khám. Trên thẻ có số thẻ, khi mất thẻ cần báo cho bệnh viện để họ cấp lại. Nếu không nhớ số thẻ cần cung cấp đầy đủ họ tên và ngày tháng năm sinh.

Tùy theo diễn biến tình hình sức khỏe của bà mẹ và em bé bác sĩ sẽ xác định lịch khám 2 tuần một lần hay một tháng một lần. Những lần khám đầu tiên bạn sẽ trả tiền khám 30%, 70% còn lại bảo hiểm chi trả. Khi tính phí bệnh viện đã trừ đi số tiền bảo hiểm trả nên thực tế bạn chỉ phải trả 30%. Từ tuần thứ 12 trở đi bệnh viện sẽ viết cho bạn một giấy chứng nhận để bạn mang lên tòa thị chính thành phố. Khi trình giấy này bạn sẽ nhận được hai cuốn sổ. Một cuốn sổ để ghi chép thông tin về sức khỏe của hai mẹ con cho đến khi con  đi học và một cuốn sổ có các phiếu khám miễn phí cho các lần khám từ tuần thứ 12 trở đi. Tuy nhiên nếu phải làm các xét nghiệm ngoài khám thông thường bạn sẽ phải chịu chi phí.

Cũng trong thời gian này, bác sĩ sẽ khuyên bà bầu đi khám răng. Tiền khám miễn phí do sử dụng được phiếu khám được phát ở trên. Các tiền điều trị phát sinh người khám sẽ chịu 30%.

  1. Tham gia lớp học “tiền sản”

Khi đến viện khám các y tá sẽ tư vấn và cung cấp các tài liệu có liên quan đến việc mang thai, nuôi con. Chủ yếu các tài liệu bằng tiếng Nhật. Trong các tài liệu này có cả danh sách các trung tâm hỗ trợ nuôi dạy trẻ để bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần. Ngoài ra bệnh viện hoặc thành phố cũng sẽ tổ chức các lớp học “tiền sản” dành riêng cho bà bầu hoặc dành cho cả hai vợ chồng. Lớp học sẽ do các  y tá dạy. Ở đó người học được học về “sữa”, cách bế con, cách cho con ăn, cách tắm cho con…Nội dung học bao gồm cả lý thuyết và thực hành với…búp bê cao su.

(còn tiếp)

 

 

50 năm bình thường hóa quan hệ Nhật-Hàn: Cần công nhận khác biệt  và hướng tới tương lai

June 22, 2015 Leave a comment

Xã luận  báo Mainichi ngày 22 tháng 6 năm 2015.

Nguyễn Quốc Vương dịch

Đã 50 năm kể từ ngày Nhật Bản và Hàn Quốc ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Quá trình dân chủ hóa và tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc cùng làn sóng văn hóa Hàn ở Nhật Bản từ sau những năm 80 của thế kỷ trước đã đem đến  niềm hy vọng  Hàn Quốc sẽ trở thành “quốc gia gần gũi”. Tuy nhiên trong những năm đó người ta lại cho rằng tình hình đã diễn tiến tới mức tồi tệ nhất từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay. Người ta thường nói khi Hàn Quốc trở nên giàu có thì sẽ “hướng tới tương lai” một cách tự nhiên nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Bối cảnh đằng sau là sự biến đổi  về mặt cơ cấu xung quanh hai nước Nhật-Hàn. Hướng đến 50 năm tiếp theo hai nước cần phải nhận thức chính xác lẫn nhau và tái cấu trúc mục đích chung.

Lĩnh vực hợp tác vẫn còn rất to lớn

Nửa thế kỷ trước bố của tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là Park Chung-hee đã đồng ý với hiệp định rằng bằng việc chuyển đổi thành “Tiền đầu tư hợp tác kinh tế” 500 triệu đô la Mỹ, quyền đòi hỏi bồi thường “đã được giải quyết triệt để và chấm dứt”. Đây là quyết định được đưa ra bằng cả sự trấn áp với lệnh giới nghiêm trước sự phản đối của quốc dân đối với “ngoại giao nhục nhã”  đi kèm với việc không đòi bồi thường và xin lỗi về sự cai trị thời thực dân.

Mặt khác Nhật Bản đã tư duy rằng đây là cơ hội tuyệt vời để giải quyết chuyện hậu chiến với Hàn Quốc bằng giá cả thấp. Chuyện áp lực mạnh mẽ của Mĩ khi đó đang hối hả với việc thắt chặt thể chế “chống cộng” ở Đông Á cũng là một yếu tố tạo nên sự gắn kết Nhật-Hàn.

Tình trạng như thế đã thay đổi với quá trình dân chủ hóa ở Hàn Quốc và  sự kết thúc của chiến tranh lạnh. Ở Hàn Quốc “sửa đổi lịch sử”-thứ thể hiện ra bên ngoài của nỗi bất mãn vốn  phải kìm nén dưới sự áp bức của chính quyền đã dần được cất lên và nhận thức lịch sử như vấn đề nô lệ tình dục đã tạo ra ảnh hưởng lớn đối mối quan hệ Nhật-Hàn.

Sự hợp tác nhấn mạnh mối quan hệ hướng tới tương lai như “Tuyên bố chung Nhật-Hàn” (1998), đồng tổ chức World Cup (2002) đã được tiến hành nhưng nó không có tác dụng đối với việc giải quyết vấn đề lịch sử.

Việc chính phủ Hàn Quốc tiến hành tái xem xét về hiệp định quyền đòi bồi thường và cho rằng vấn đề nô lệ tình dục vẫn chưa được giải quyết là một bộ phận nằm trong  sự “xem xét lại lịch sử” đó. Chính phủ Hàn Quốc khi ấy cho rằng hiệp định về vấn đề lao động cưỡng bức đã được giải quyết xong nhưng tư pháp Hàn Quốc sau đó lại trùm lên cả quyết định của chính phủ.

Trong cuộc điều tra dư luận được tiến hành vào mùa xuân năm nay do “NPO ngôn luận” tiến hành thì số người  cho rằng quan hệ Nhật-Hàn là quan trọng ở phía Nhật là 65.3%, phía Hàn Quốc là 87.4%. Mặt khác những người Nhật Bản cho rằng hội đàm nguyên thủ là “cần thiết nhưng không cần phải vội” chiếm 43.5% trong khi phía Hàn Quốc là 69.9%. Có thể nói cả hai bên đều suy nghĩ về vấn đề hiện tại nhưng không hề tỏ ra vội vã.

Trước sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường cảnh giác trong khi Hàn Quốc tiến lại gần Trung Quốc. Cũng có ý kiến cho rằng cách giữ khoảng cách với Trung Quốc là nguyên nhân làm cho mối quan hệ Nhật-Hàn xấu đi.

Tuy nhiên nếu như nhận thức không giống nhau thì không thể hợp tác. Tầm quan trọng của mối quan hệ Nhật Hàn trong đảm bảo an ninh và kinh tế vẫn rất to lớn.

Ở phương diện tạo ra trật tự mới của Đông Bắc Á, việc có thể hợp tác hay không với Hàn Quốc-một nước cùng là nước dân chủ sẽ có ảnh hưởng lớn đến quyền phát ngôn của Nhật Bản. Khỏi cần phải nói cũng rõ để đối phó với tình hình Bắc Triều Tiên thì sự liên kết Nhật-Hàn là tất yếu.

Cũng không thể làm ngơ trước sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Thu nhập tính theo đầu người của Hàn Quốc (2013)  là 33.360 đô la và tiến sát gần đến Nhật Bản (37.550 đô la). Hàn Quốc cũng đứng ngang hàng với Nhật Bản trong tư cách là một thành viên của G20.

Cần bình tĩnh trước “nhận thức lịch sử”

Tháng trước Hàn Quốc đã tăng cường đấu tranh ngoại giao phản đối việc “Di sản cách mạng công nghiệp Nhật Bản thời MInh Trị” trở thành di sản văn hóa thế giới và Nhật đã phải ứng phó với điều đó. Nhật Bản mong muốn Hàn Quốc kiềm chế khi coi đó là sự xách động sự đối lập cảm tính không cần thiết. Nhưng đây cũng là dấu hiệu của việc sức mạnh ngoại giao của Hàn Quốc đang tăng lên. Việc bất hòa với Hàn Quốc sẽ làm cho gánh nặng của Nhật Bản nặng thêm.

Vào dịp kỉ niệm 50 năm ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã đến Nhật Bản và hội đàm với ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio. Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng của chính phủ Park Geun-hye đến Nhật. Cùng với cuộc hội đàm bộ trưởng quốc phòng Nhật-Hàn vào cuối tháng trước, đó là chỉ dấu về sự mềm hóa trong chính sách đối với Nhật Bản của Hàn Quốc. Mong rằng nó sẽ là động thái dẫn đến thực thi hội đàm nguyên thủ vốn không được tiến hành hơn 3 năm qua.

Điều đáng chú ý trong những năm gần đây là việc vấn đề nô lệ tình dục có sức ảnh hưởng lớn đến độ gần như là có thể ngăn chặn toàn diện quan hệ Nhật-Hàn.

Các nữ nô lệ tình dục đều là những người cao tuổi trên dưới 90 và thời gian còn lại với họ rất ít. Tuy nhiên một khi sự đối lập cảm tính vẫn còn sâu sắc thì việc tìm kiếm biện pháp giải quyết cả hai bên chấp nhận là rất khó khăn. Cần phải ưu tiên lợi ích chung của hai nước và bình tĩnh đối diện với vấn đề nữ nô lệ tình dục trong quá trình đó.

Nhật-Hàn xét ở phương diện nào đó đều chia sẻ điểm chung về các giai đoạn phát triển kinh tế và quan niệm xã hội. Hai nước vốn đang đối mặt với những vấn đề như sự gia tăng lao động phi chính quy, già hóa dân số có thể tham khảo kinh nghiệm của nhau. Trong các chính sách liên quan tới người khuyết tật và lao động người nước ngoài trước đó các nhà nghiên cứu Nhật Bản và đoàn thể công dân đã tham khảo rất nhiều ví dụ đi trước của Hàn Quốc. Nhật Hàn 50 năm qua mặc dù trải qua những khúc quanh đã hợp tác và thúc đẩy quan hệ phát triển. Tuy nhiên cơ cấu truyền thống đang thể hiện sự bất toàn về chức năng. Cần phải cùng thừa nhận sự “khác biệt” từ đó tái cấu trúc cơ cấu hợp tác. Việc cự tuyệt đối thoại hay  bỏ mặc không phải là thái độ lành mạnh. Cả hai bên cần phải nỗ lực để hướng tới 100 năm.

Buổi sáng

June 21, 2015 Leave a comment

Buổi sáng

Mỗi sáng thức dậy con trai

Đánh thức bố dậy để hai cùng đùa

Giữa chừng con bỗng lặng thinh

Nhờ con bố được là mình ngày xưa.

21.6.2015

Categories: Thơ

Giáo viên ở Nhật Bản được tuyển dụng như thế nào?

June 19, 2015 Leave a comment

Kỳ thi tuyển dụng giáo viên  là kỳ thi được tiến hành nhằm tạo ra danh sách các ứng cử viên để tuyển làm giáo viên cho các trường (công lập) được thiết  lập, vận hành bởi các đô đạo, phủ tỉnh hay các đô thị được chỉ định.

Khái quát

Kỳ thi tuyển dụng của các trường công lập

Kỳ thi tuyển dụng giáo viên khác với kỳ thi công vụ viên, nó được tiến hành bởi Ủy ban giáo dục của các thành phố được chỉ định bởi  luật hay các đô, đạo, phủ , tỉnh. Đây không phải  là kỳ thi cạnh tranh mà là kỳ thi tuyển khảo. Thêm nữa đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở của của thành phố, khu phố, làng thì Ủy ban giáo dục các đô, đạo, phủ, tỉnh tiến hành. Đại đa số các địa phương đều tiến hành tuyển khảo hai lần. Lần một là thi học lực, lần hai là thi “nhân vật”.

Giáo viên của trường công lập đa phần là những người thi đỗ kỳ thi tuyển dụng giáo viên, là giáo viên đã trở thành công vụ viên giáo dục vốn là những người có tên trong danh sách các ứng cử viên tuyển dụng và các giáo viên tạm thời (viên chức tạm thời) được ký hợp đồng tuyển dụng theo năm hay các giáo viên thỉnh giảng toàn thời gian và giáo viên thỉnh giảng bán thời gian .
(Giáo viên thỉnh giảng toàn thời gian làm việc giống như giáo viên chính quy (khoảng 40 tiết một tuần), có thể làm giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên thỉnh giảng bán thời gian chỉ dạy trực tiếp với thời gian quy định là 20 tiết/tuần. Cả hai đều có địa vị là giáo viên phi chính thức và vừa dạy vừa nhắm đến việc được dụng chính thức. Về lương thì ví dụ ở tỉnh Aichi nếu tốt nghiệp đại học  ở độ tuổi 22 và là giáo viên chính thức sẽ có lương tháng đầu tiên là 199.700 yên. Ở độ tuổi 45 là 383.800 yên.  Năm 60 tuổi lương là 419.200 yên. Trong khi đó lương tháng đầu tiên của giáo viên thỉnh giảng toàn thời gian là 195.900 yên và cho dù có lao động liên tục thì đến năm 37 tuổi lương tháng là 334.100 yên và đây là mức lương cao nhất.

Lương/1 tiết của giáo viên thỉnh giảng bán thời gian là 2877 yên (Báo AASSAhi ngày 8 tháng 12 năm 2010)

Kỳ thi tuyển dụng ở trường tư thục

Đối với trường hợp các trường tư thục thì việc tuyển khảo do từng trường tiến hành. Tùy theo  địa phương mà tiến hành kiểm tra tư cách thích hợp và ghi chép danh sách những người có nguyện vọng thi tuyển. Kết quả kiểm tra tư cách này được dùng với tư cách là “tư liệu tham khảo” khi các tường tư thục tiến hành tuyển dụng giáo viên. Trường hợp trường tự tiến hành tuyển khảo thì thời gian thường không xác định theo định kỳ.

Xu hướng

Ở Nhật Bản số lượng người dự kỳ thi tuyển dụng giáo viên có tăng lên từ nửa sau những năm 1970 và tỉ lệ cạnh tranh cũng tăng lên.

Đặc biệt từ nửa sau thập niên 90, với tư cách là kỳ thi công vụ viên nhiều địa phương có tỉ lệ cạnh tranh cao đã trở thành chủ đề của  dư luận. Đặc biệt ở môn công dân THPT tình trạng tỉ lệ “chọi” cao đã liên tục tiếp diễn nhiều năm qua đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, do số lượng giáo viên nghỉ hưu theo thế hệ tăng và việc tiến hành lớp học với số lượng học sinh nhỏ, từ năm 2004 trở đi thì cái khung tuyển dụng với trung tâm là giáo viên tiểu học đã và đang tăng lên.

Tuy nhiên trừ các đô thị hay các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, ở các địa phương do ngân sách dựa trên nguồn thuế bị thu hẹp và ảnh hưởng của chế độ tái tuyển dụng được thực hiện từ năm 2002 đối với những người đến tuổi hưu nhưng có nguyện vọng tiếp tục làm việc cho nên số lượng tuyển mới bị hạn chế.

Thêm nữa do ảnh hưởng của việc hợp nhất các trường do dân số già hóa (thiếu học sinh), có xu hướng hạn chế số lượng tuyển dụng giáo viên chính quy và thay vào đó bổ sung bằng giáo viên thỉnh giảng toàn thời gian, giáo viên thỉnh giảng bán thời gian, giáo viên tạm thời (hợp đồng)

Hiện nay ngày càng có nhiều địa phương thực hiện kỳ thi tuyển dụng với với cơ cấu khác nhau dành cho hai đối tượng: người dự thi nói chung và người đã đi làm có kinh nghiệm, người đã từng là giáo viên hợp đồng, người tốt nghiệp sau đại học-họ có thể được miễn một phần thi tiết trong kỳ thi tuyển dụng.

Thông báo thi tuyển

Điều kiện nộp đơn dự thi, môn giáo khoa đăng ký thi thay đổi theo từng địa phương.

Trường hợp  đối với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thì tỉ lệ cạnh tranh thay đổi theo từng môn giáo khoa. Đặc biệt với các môn xã hội thì số người cần tuyển ít nhưng người có giấy phép thì nhiều  cho nên số người đăng ký thi đông đảo và địa phương nào cũng có tỉ lệ “chọi” cao.

Giới hạn tuổi tác

Phần lớn các địa phương có đưa ra giới hạn tuổi tác cho người nộp đơn. Giới hạn này tùy theo từng địa phương và thay đổi tùy theo từng môn. Cũng có nơi không đặt ra giới hạn.

Những năm gần đây do tuyển dụng những người có kinh nghiệm phong phú cho nên số lượng các địa phương bãi bỏ hoặc mềm dẻo giới hạn độ tuổi trên gia tăng.

Tuy nhiên ở các địa phương thực hiện tuyển khảo đặc biệt nhằm vào đối tượng đã đi làm có kinh nghiệm thì số lượng tuyển  so với số lượng tuyển  người sắp có giấy phép đương nhiên là ít và cửa vào hẹp.

Hạn chế nộp đơn

Ngoài ra cũng có trường hợp đưa ra  điều kiện cần phải có  (sẽ có) giấy phép môn giáo khoa khác ngoài giấy phép môn giáo khoa đăng ký dự thi.

Ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt thì còn chỉ định môn giáo khoa cần phải lấy giấy phép.

Trong các kỳ thi tuyển dụng của địa phương quy định điều kiện trên thì nếu như không đáp ứng được thì cho dù có giấy phép môn học tương ứng cũng không nộp đơn được và sau khi có được giấy phép lại phải có thêm giấy phép khác vì vậy nảy sinh sự bất công bằng về cơ hội dự thi giữa các môn học cần giấy phép.

Tự PR bản thân

Nhiều địa phương cho phép người dự thi đưa ra phần PR bản thân trước để xem xét tư chất giáo viên. Phương pháp làm là cho viết vào đơn dự thi, hoặc cho viết vào giấy theo mẫu kèm theo sau khi nộp đơn và tiến hành phỏng vấn.

Về kỳ thi

Nội dung kỳ thi được đăng tải trên trang web của các trường tư thục, các địa phương. Ở đây sẽ chỉ viết về nội dung nói chung

Kỳ thi văn hóa giáo chức

Phần lớn các địa phương tiến hành ở kỳ thi thứ nhất. Thường sẽ tiến hành một kỳ thi cho tất cả các trường.

Cũng có nhiều nơi gép nó với kỳ thi văn hóa nói chung và hợp thành kỳ thi thứ nhất.

Ở các địa phương mà người dự thi đông thì sẽ sử dụng giấy trả lời. Đây là kỳ thi đánh giá tri thức cơ bản đối với nghề giáo.

Nói một cách cụ thể, nội dung trải từ pháp quy giáo dục, phương pháp giáo dục, khóa trình giáo dục, bản Hướng dẫn học tập, Lịch sử giáo dục, tâm lý học giáo dục, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quyền, báo cáo của Ủy ban thẩm đinh giáo dục trung ương, thông tư, công văn của bộ giáo dục..

Kỳ thi văn hóa nói chung

Giống như kỳ thi văn hóa giáo chức, phần lớn các địa phương tiến hành ở kỳ thi thứ nhất. Phần lớn tiến hành cho tất cả các trường trong một kỳ thi. Các vấn đề ra trong bài thi trải dài từ cấp độ thi vào cấp THPT đến cấp độ cơ bản học ở cấp THPT.
Các vấn đề đưa ra là quốc ngữ, toán, khoa học, xã hội, tiếng anh không thiên vị môn nào. Ngoài ra còn có các vấn đề về nghệ thuật, thể dục, xử lý thông tin và cả vấn đề liên quan đến địa phương tiến hành tuyển dụng.

Kỳ thi văn hóa chuyên môn

Phần lớn các địa phương tiến hành ở kỳ thi thứ nhất.

Đây là kỳ thi đánh giá tri thức chuyên môn đốivới các môn giáo khoa và từng loại trường. Các vấn đề đưa ra lấy từ bản hướng dẫn học tập rất nhiều.

Trong kỳ thi của trường tiểu học, thì do đề thi được ra từ nội dung toàn bộ các môn giáo viên dạy ở trường tiểu học cho nên phạm vi ra đề rất rộng và mức độ khó của nó thì phần lớn là ngang với mức độ văn hóa nói chung.

Trong kỳ thi của trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thì đề thi tùy theo từng môn. Ở các trường này do yêu cầu về tính chuyên môn cao nên độ khó ngang với kỳ thi vào đại học hoặc ngang chuyên môn ở đại học.

Kỳ thi dành cho trường giáo dục đặc biệt và trường khuyết tật thì tính chuyên môn đặt ra tùy theo chủng loại nghề nghiệp.

Kỳ thi tiểu luận

Đây là kỳ thi đánh giá tư duy, lòng mong muốn đối với nghề giáo, năng lực biểu hiện văn chương, năng lực lý luận…

Người dự thi phải trả lời về chủ đề liên quan đến giáo dục với số chữ và thời gian quy định.

Chủ đề là các vấn đề giáo dục thời sự như “phương pháp xử lý bắt nạt, bỏ học”, “cách tiếp xúc với phụ huynh”, kiểu đề đọc văn bản rồi đưa ra ý kiến, kiểu đề luận về nội dung cơ bản trừu tượng như “giáo dục là gì?”. Kỳ thi này có thời gian thực thi khác nhau tùy theo từng địa phương.

Kỳ thi phỏng vấn

Đây là kỳ thi đánh giá nhân vật (con người) thực tế để xem xét năng lực tư chất đối với nghề giáo. Trường hợp được thực hiện trong kỳ thi thứ nhất thì ở giai đoạn đó do người dự thi đông cho nên thường được tiến hành tập thể trong thời gian ngắn. Vì vậy  nó được tiến hành như là thứ phù trợ cho kỳ thi lý thuyết.

Do người dự thi đông cho nên không phải toàn bộ được phỏng vấn bởi cùng một người phỏng vấn mà chia ra các địa điểm theo số báo danh hoặc môn dự thi và đương nhiên ở mỗi phòng này là người phỏng vấn khác nhau.

Trong trường hợp này thì tùy theo địa điểm tổ chức phỏng vấn và phương pháp triển khai phỏng vấn có sự khác biệt. Ở trường hợp tiến hành phỏng vấn trong kỳ thi thứ hai thì việc phỏng vấn từng người nhất thiết phải được tiến hành nhưng có những địa phương cũng tiến hành phỏng vấn đồng thời nhiều người và tiến hành kết hợp với thảo luận tập thể và giờ học mô phỏng. Đặc biệt những năm gần đây có xu hướng coi trọng phỏng vấn và nó trở thành phần thi có ảnh hưởng lớn tới sự đỗ-trượt.

Giờ học mô phỏng

Đây là kỳ thi đánh giá về năng lực giờ học quan trọng nhất trong nghề giáo. Phần lớn các địa phương đều thực hiện nó trong kỳ thi thứ hai và cách thức tiến hành cũng rất đa dạng. Có nơi tiến hành nó như là một bộ phận của kỳ thi phỏng vấn.

Trường hợp chuẩn bị giáo án trước, quyết định chủ đề và tiến hành giờ học thì giám khảo sẽ đánh giá tổng hợp về mục tiêu, sự triển khai, quan điểm về giáo tài, phương pháp đánh giá, cách tiếp cận học sinh.

Ở trường hợp chủ đề được chỉ định vào ngày thi hay đóng vai (role play) thì sẽ xem xét năng lực chỉ đạo trong tình huống đó. Ở cả hai trường hợp, cách thức thực hiện đều thay đổi theo địa phương và đều cần đến sự ôn luyện theo địa phương đó.

Thảo luận tập thể-hoạt động tập thể

Chủ yếu được diễn ra ở kỳ thi thứ hai. Đây là kỳ thi đánh giá năng lực thể hiện bản thân trong tập thể và ở kỳ thi tuyển dụng giáo viên, tính hợp tác được coi trọng. 5-6 người sẽ thảo luận về một chủ đề nhất định và giám khảo sẽ đánh giá về cách đưa ra ý kiến, cách tiếp nhận câu trả lời.

Kì thi kĩ năng

Ở trường tiểu học thì do giáo viên phải dạy toàn bộ các môn giáo khoa nên sẽ tiến hành kiểm tra  kĩ năng chơi Piano, hát, bơi lội, thiết kế.

Ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đối với các môn Kĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục đều đặt ra yêu câu cao về kĩ năng. Đối với tiếng Anh thì có kiểm tra năng lực nghe.

Ngoài ra có địa phương còn kiểm tra năng lực sử dụng máy vi tính. Phần lớn các địa phương thực hiện nội dung thi này trong kỳ thi thứ hai nhưng cũng có địa phương tiến hành vào kỳ thi lần thứ nhất.

Công bố điểm thi

Người dự thi có thể yêu cầu nơi tổ chức cung cấp kết quả this au một thời gian nhất định sau kì thi tùy theo từng địa phương.

Nội dung được công bố sẽ là thông tin về vị trí đại thể của người dự thi trong thành thích tổng thể của kỳ thi như thứ hạng A, B, C. Vì vậy thành tích cụ thể của từng môn và thứ tự sẽ không công bố. Tuy nhiên hiện nay cũng có một vài địa phương công bố chi tiết đến số điểm của từng môn. Có địa phương thông báo qua bưu điện theo phiếu đăng ký và có địa phương thông báo trực tiếp cho người dự thi.

Vấn đề tồn tại

Sự cố bất chính

Ngày 14 tháng 6 năm 2008 cảnh sát tỉnh Oita đã bắt hiệu trường một trường ở Oita và nhân viên của Ủy ban giáo dục vì tội nhận hối lộ trong kỳ thi tuyển dụng giáo viên.

Điểm số hóa đánh giá nhân vật

Việc đánh giá nhân vật thông qua phỏng vấn, lý lịch, tự PR bản thân là nhằm tuyển được người thích hợp với nghề giáo viên. Tuy nhiên việc chấm điểm và xếp thứ tự gặp khó khăn. Ngoài ra do ảnh hưởng của vụ hối lộ ở Oita, quan điểm đánh giá nhân vật trở nên nghiêm ngặt hơn và có xu hướng chuyển thành kỳ thi viết.

Câu hỏi liên quan đến giới tính

Cuộc điều tra thực tế do một bộ phận phương tiện truyền thông thực hiện vào năm 2014 đã làm rõ  ít nhất trong kỳ thi tuyển dụng năm 2013 có 3 tỉnh (Yamanagi, Yamagata, Gifu) và 2 thành phố Shizuoka, Hamamatsu đã tiến hành kiểm tra tâm lý bao gồm cả các câu hỏi liên quan đến giới tính và tôn giáo.

Thực tế này làm nảy sinh tiếng nói mạnh mẽ phê phán đối với tình trạng bị nghi ngờ có diễn ra sự phân biệt đối xử khi tuyển dụng với các câu hỏi không liên quan đến năng lực của giáo viên trong tương lai.

Nguyễn Quốc Vương dịch

Nguồn: Wikipedia

Con trai khi ngủ

June 16, 2015 Leave a comment

Con trai lúc ngủ
hay nắm tay bố
Miệng dọa gầm gừ

Con ơi đừng sợ
Bố chỉ thích trốn
Chỗ này với con

16.6.2015