Archive

Posts Tagged ‘dạy học liên môn’

“THỜI GIAN HỌC TẬP TỔNG HỢP” TRONG BẢN “HƯỚNG DẪN HỌC TẬP” NĂM 2008 CỦA BỘ GIÁO DỤC NHẬT BẢN

July 20, 2013 Leave a comment

 

Lời giới thiệu của người dịch.  

“Thời gian học tập tổng hợp” là tên gọi khoảng thời gian dành cho học sinh tự chủ tiến hành học tập các vấn đề tổng hợp, phổ quát ở trường học Nhật Bản. “Thời gian học tập tổng hợp” chính thức được đưa ra lần đầu tiên trong bản “Hướng dẫn học tập” năm 1998. “Hướng dẫn học tập” là văn bản thể hiện chỉ đạo của Bộ giáo dục đối với hệ thống các trường phổ thông về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. Văn bản này lần đầu tiên ra đời năm 1947 và cứ khoảng 10 năm lại sửa đổi một lần. Dưới đây là bản dịch toàn bộ phần chỉ đạo về “Thời gian học tập tổng hợp” của Bộ giáo dục Nhật Bản đối với cấp Trung học cơ sở trong bản “Hướng dẫn học tập” mới nhất hiện nay (ban hành năm 2008). Những thông tin về “thời gian học tập tổng hợp” sẽ gợi mở nhiều điều cho dạy học theo kiểu tích hợp, liên môn đang được xúc tiến ở Việt Nam.

Chương 4. Thời gian học tập tổng hợp

Phần 1. Mục tiêu

Thông qua học tập các nội dung có tính chất chung, tổng hợp và học tập tìm kiếm mà giáo dục cho học sinh phẩm chất và năng lực tự mình phát hiện vấn đề, tự mình học tập, suy nghĩ, phán đoán một cách chủ thể và giải quyết vấn đề một cách tốt hơn; đồng thời trang bị cho học sinh cách học, cách tư duy, giáo dục thái độ giải quyết vấn đề và hoạt động tìm kiếm một cách chủ thể, sáng tạo và hợp tác, làm cho học sinh có thể suy ngẫm về cách sống của bản thân mình.

Phần 2. Mục tiêu và nội dung được xác định ở các trường học.

1. Mục tiêu

Ở từng trường học căn cứ vào mục tiêu ở phần 1 nói trên mà xác lập mục tiêu của giờ học tổng hợp.

2. Nội dung

Các trường căn cứ trên mục tiêu ở phần 1 mà xác định nội dung của giờ học tổng hợp của mình.

Phần 3. Chế tác kế hoạch chỉ đạo và khai thác nội dung

1. Khi chế tác kế hoạch chỉ đạo, cần chú ý các điểm sau:

(1) Khi chế tác kế hoạch chỉ đạo toàn thể và kế hoạch chỉ đạo cho cả năm cần chỉ ra mục tiêu, nội dung, năng lực, thái độ, phẩm chất muốn giáo dục học sinh, hoạt động học tập, phương pháp và thể chế chỉ đạo, kế hoạch đánh giá học tập trong mối liên quan với toàn bộ hoạt động giáo dục của trường học. Khi đó cần dựa trên việc tiến hành giờ học tổng hợp ở trường tiểu học.

(2) Tiến hành các hoạt động giáo dục một cách công phu sáng tạo dựa trên học tập tổng hợp, học tập các vấn đề chung vượt qua cái khung của từng môn học, học tập tìm kiếm, dựa trên mối quan tâm, hứng thú của địa phương, phù hợp với tình hình  thực tế của địa phương, trường học và học sinh.

(3) Về mục tiêu và nội dung được xác lập ở từng trường học ở phần 2 cần coi trọng mối quan hệ giữa đời sống thường ngày và xã hội.

(4) Về  phẩm chất, năng lực, thái độ cần giáo dục, cần dựa trên quan điểm về những vấn đề như những gì liên quan đến phương pháp học tập, những gì liên quan đến bản thân học sinh, những gì liên quan đến mối quan hệ với người khác và xã hội.

(5) Về hoạt động học tập, tùy theo tình hình thực tế của trường học mà tiến hành các hoạt động học tập liên quan đến nghề nghiệp, tương lai của bản thân học sinh như hiểu biết quốc tế, thông tin, môi trường, sức khỏe-phúc lợi-những chủ đề học tập có tính chất tổng hợp, chung, các hoạt động học tập dựa trên mối quan tâm, hứng thú của học sinh, các chủ đề tương ứng với đặc trưng của địa phương, trường học.

(6) Tạo ra mối liên quan tương hỗ với các tri thức, kĩ năng… được trang bị ở từng môn học, trong giáo dục đạo đức và hoạt động đặc biệt, phát huy chúng trong học tập và cuộc sống làm cho chúng hoạt động một cách tổng hợp.

(7) Vừa chú ý đến sự khác biệt về mục tiêu và nội dung của từng môn học, trong giáo dục đạo đức và hoạt động đặc biệt vừa tiến hành hoạt động học tập thích hợp dựa trên mục tiêu ở phần 1 và mục tiêu cùng nội dung được xác định trong phần 2 của từng trường học.

(8) Về tên gọi của thời gian học tập tổng hợp ở từng trường học thì tùy theo trường mà xác định sao cho thích hợp.

(9) Về nội dung được chỉ ra trong phần 2 của chương 3 “Đạo đức” thì  dựa trên  phần 1 và 2 của chương 1 “Tổng quy” và mục tiêu của giáo dục đạo đức được chỉ ra ở phần 1 “Đạo đức” của chương 3, vừa cân nhắc đến mối liên quan với thời gian đạo đức vừa tiến hành chỉ đạo thích hợp tương ứng với đặc trưng của thời gian học tập tổng hợp.

2. Về sử dụng nội dung của phần 2, cần phải chú ý các điểm sau:

(1) Dựa trên mục tiêu và nội dung được xác định ở từng trường của phần 2, giáo viên tiến hành chỉ đạo thích hợp tương ứng với tình hình học tập của học sinh.

(2) Trong quá trình giải quyết vấn đề hay hoạt động tìm kiếm, cần tiến hành các hoạt động hợp tác với người khác để giải quyết vấn đề, tiến hành hoạt động học tập như phân tích bằng ngôn ngữ và trình bày…

(3) Cần tích cực đưa vào trải nghiệm thiên nhiên, trải nghiệm xã hội như hoạt động trải nghiệm nơi làm việc, hoạt động tình nguyện, hoạt động trải nghiệm chế tạo đồ vật, hoạt động sản xuất, hoạt động học tập như quan sát-thí nghiệm, tham quan học tập-điều tra, phát biểu-thảo luận…

(4) Về hoạt động trải nghiệm: dựa trên cơ sở mục tiêu của phần 1 và mục tiêu, nội dung ở phần 2 của từng trường học, cần đảm bảo cho hoạt động này có vị trí thích hợp trong quá trình giải quyết vấn đề và học tập tìm kiếm.

(5) Tiến hành một cách công phu các hình thái học tập đa dạng như  học tập theo nhóm, học tập theo tập thể gồm các lứa tuổi khác nhau, các thể chế chỉ đạo như vừa tiếp nhận sự hợp tác của người dân ở địa phương vừa có sự phối hợp chặt chẽ của toàn thể giáo viên.

(6) Sử dụng thư viện trường, liên kết với các trường học khác, liên kết với các cơ sở giáo dục xã hội như Kominkan (tòa nhà là nơi sinh hoạt văn hóa, xã hội chung của dân địa phương-ND), thư viện, bảo tàng và các loại đoàn thể  liên quan tới giáo dục xã hội, tiến hành một cách công phu việc sử dụng các giáo tài địa phương, sử dụng tích cực môi trường học tập.

(7) Khi tiến hành học tập liên quan đến nghề nghiệp hoặc tương lai của bản thân, thông qua việc tiến hành giải quyết vấn đề và hoạt động tìm kiếm, cần tiến hành các hoạt động học tập như lý giải bản thân, suy ngẫm về cách sống trong tương lai.

Nguyễn Quốc Vương dịch từ tiếng Nhật

 

Phan Bội Châu và phong trào Đông Du (12)

June 22, 2013 Leave a comment

Kiểm tra 45 phút

Môn: Lịch sử

Đề bài: Đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh triều đình Huế đã kí hiệp ước đầu hàng và phong trào Cần Vương bị đàn áp đẫm máu, nhà yêu nước Phan Bội Châu cùng những người đồng chí hướng đã lập ra Hội Duy tân (1904) và khởi xướng phong trào Đông Du. Hưởng ứng phong trào, hàng trăm thanh niên đương thời đã tình nguyện lên đường sang Nhật du học. Em hãy đóng vai là một trong những người thanh niên ấy để gửi thư cho nhà yêu nước Phan Bội Châu bày tỏ rõ lý do hưởng ứng cùng những dự định của bản thân khi học tập ở Nhật và sau khi tốt nghiệp về nước.

Bài Làm

Nghệ An, ngày 19/6/1906

Kính gửi Phan Bội Châu tiên sinh

Trước khi nói lên đôi điều với tiên sinh, tôi xin tự giới thiệu. Tên tôi là Phan Minh Lý, tôi là một trong những thanh niên mong muốn tột cùng được tham gia phong trào Đông Du, sánh vai cùng những người anh em đến nơi đất khách quê người cốt cũng vì mục đích tương đồng với tiên sinh, để cứu nước, cứu dân ta.

Sinh ra trong gia đình thương gia, tôi cũng không bần cùng khốn khó như bao người nông dân dưới đáy xã hội. Tôi cũng được đi học, được tiếp nhận nền giáo dục Nho giáo và một số thứ dị giáo của Pháp, mặc dù tôi khinh bỉ những thứ dị giáo ấy, nhưng vì cái lẽ cứu nước, cái lẽ cải cách duy tân, tôi phải học. Tuy mang trong mình oanh khí cường tráng của bậc thanh niên nước nhà, song tôi đây tài mọn, chỉ có thể đứng trông đất nước ngày một rơi vào bế tắc, hỗn loạn. Triều đình Huế rơi vào thế bị động, nhu nhược, yếu thế, chỉ vì cái lợi hão toàn nguồn lợi ít ỏi trước mắt mà đánh mất cả đất nước, sao tôi lại có thể cam chịu được. Được giáo dục bài bản nên nguồn tri thức của tôi ngày càng dồi dào, tôi cũng hiểu rõ hơn rằng đất nước ta đang rơi vào nghịch cảnh, một nghịch cảnh mà đối với nguồn tri thức hạn hẹp và lối tư duy lạc hậu của con người đất nước chúng ta không thể nào giải thoát. Huống chi, giờ đây nghe tin tiên sinh mà tôi khâm phục bấy lâu với tác phẩm “Hịch bình tây thu bắc”, phát động phong trào Đông Du, tôi sao có thể làm lơ một cơ hội cứu lấy đất nước lâu đời của con dân đất Việt hào hùng.

Tình yêu nước, lòng tin yêu vào lý tưởng của tiên sinh tuy chiếm một phần không thể đổi rời trong quyết định của tôi, song không phải là tất cả. Tôi cũng đã nghiên cứu một số tài liệu về đất nước Nhật Bản, nơi này tuy là lần đầu tiên tôi nghe tới, song khi biết được sử sách của đế quốc phương Đông này, tôi thật sự khâm phục. Nhật Bản là một đất nước phương Đông cớ sao lại không bị đế quốc phương Tây đe dọa, xâm chiếm. Vì đâu mà Nhật Bản có thể cứu rỗi lấy linh hồn của đất nước trong khi Việt Nam ta ngày càng đổ bể, khốn cùng? Cải cách, đó là  đáp án của tôi, và phải chăng, đó cũng chính là đáp án của tiên sinh đối với tình thế đất nước. Vâng, tôi hiểu rằng, con đường mà tiên sinh đã chọn, là con đường cải cách giáo dục, là con đường thắp sáng tri thức người dân đất nước.

Tuy là con của thương gia, tôi vẫn thỉnh thoảng giao du đây đó, gặp những người bạn nông dân bần cùng không thể đi học, cùng nhau trao đổi vốn kiến thức. Tôi cũng thấu hiểu được từ đây kiến thức quan trọng như thế nào. Chính sách ngu dân của Pháp đã khiến biết bao người con dân không được học cái chữ đáng quý mà tầm nhìn chỉ giới hạn nơi lao động, lao dịch, còn những suy nghĩ cải cách, cứu nước, nào dám nghĩ tới. Công cuộc cải cách của tiên sinh rất có thể sẽ là nguồn ánh sáng hi vọng cho những con người thiếu cái chữ ấy, phá tan chính sách ngu dân của bọn đế quốc Pháp.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng phong trào Đông Du là một quyết định sáng suốt, dù có không kịp thời giải cứu đất nước cũng vẫn là bước tiến mà xã hội Việt Nam đang cần. Tuy nhiên chỉ là kẻ tiểu nhân còn non nớt chưa hiểu chuyện đời, tôi chỉ lo nghĩ chuyện Nhật Bản, với tư cách là một cường quốc, liệu có còn đứng về phe chúng ta. Tôi không biết thái độ của đất nước xa lạ ấy, việc lệ thuộc vào giáo dục của họ liệu có phải là điều nên làm? Tôi xin mạo phạm hỏi tiên sinh vậy, chỉ mong tiên sinh có thể đáp lại lời kẻ tiểu nhân này.

Chuyện yêu nước, cứu nước, tôi cũng đã nhắc đến trong thư nhiều, vậy nên tôi xin chuyển chủ đề sang nền giáo dục của Nhật Bản. Việc nghi ngờ và mất niềm tin vào giáo dục của họ, điều này tôi không đủ khả năn và tri thức để thực hiện. Tôi chỉ nhìn những cây đại bác to lớn, những khẩu súng kim loại có sức công kích mạnh mẽ của Pháp kia mà thèm muốn. Hưởng ứng phong trào Đông Du, tôi mong có thể học hỏi cách chế tạo chúng, đưa sự đa dạng về vũ khí của quân sự Việt Nam trở nên càng lớn mạnh, độc nhất. Người Việt Nam chúng ta chắc chắn không phải là không có tố chất, tôi tin rằng tôi có thể làm được, huống chi còn có tình yêu đất nước bất diệt dìu dắt tôi.

Về chính trị, dự định của tôi còn là một con đường nan giải. Dầu sao, về mặt này, thế mạnh của ta không phải là ít song không thể so sánh với cường quốc Nhật Bản. Nhìn vào tấm gương Minh Trị, tôi thấy thẹn với lòng, về bản thân tôi, về triều đình nhà Nguyễn nhu nhược. Thế nhưng, xiềng xích tư tưởng vẫn níu giữ tôi phải tôn sùng bộ máy nhà nước yếu kém ấy. Bao hoài bão vì đất nước mà tiến lên, vì đất nước mà học, đến với Nhật Bản, ta sẽ phải thực hiện, ta sẽ ngấu nghiến từng mảnh kiến thức cuối cùng của vùng đất xa xôi ấy.

Hãy thử tưởng tượng, tiên sinh, với một đội ngũ những thanh niên với quyết tâm cao ngút trời, tại sao đất nước còn có thể yếu thế như vậy? Nhật Bản đã làm cách nào mà tạo nên kì tích trước những uy hiếp từ phương Tây giàu mạnh, ta phải biết được, phải làm được, ta phải tự lập, phải đem về cho đất nước sự tự do, hạnh phúc.

Ta sẽ khẳng định tầm cao của Việt Nam, sẽ không để thời thế cực khổ mà nhụt chí. Chắc tiên sinh cũng đã biết chí khí của thanh niên chúng tôi, vậy nên mới kêu gọi chúng tôi? Giờ đây, chúng tôi với mọi trí lực còn tồn tại, xin nguyện thề vì đất nước mà tiến lên.

(LHP, nữ, học sinh lớp 8)

Phan Bội Châu và phong trào Đông Du(10)

June 20, 2013 Leave a comment

Kiểm tra 45 phút

Môn: Lịch sử

Đề bài: Đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh triều đình Huế đã kí hiệp ước đầu hàng và phong trào Cần Vương bị đàn áp đẫm máu, nhà yêu nước Phan Bội Châu cùng những người đồng chí hướng đã lập ra Hội Duy tân (1904) và khởi xướng phong trào Đông Du. Hưởng ứng phong trào, hàng trăm thanh niên đương thời đã tình nguyện lên đường sang Nhật du học. Em hãy đóng vai là một trong những người thanh niên ấy để gửi thư cho nhà yêu nước Phan Bội Châu bày tỏ rõ lý do hưởng ứng cùng những dự định của bản thân khi học tập ở Nhật và sau khi tốt nghiệp về nước.

Bài Làm

 

Hà Nội, ngày 1-6-1906

Kính gửi thầy Phan Bội Châu kính mến!

Theo lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào Đông Du của thầy, con đã suy nghĩ rất nhiều và phải đấu tranh tư tưởng không ít lần nhưng cuối cùng, con đã quyết định đi theo con đường đúng đắn mà thầy đã vạch ra cho chúng con. Tuy rằng, ra nước ngoài lắm gian nan, nguy hiểm cũng như việc khó khăn về nhiều mặt, tiền bạc, phương tiện di chuyển và có nhữn việc còn phải mạo hiểm cả tính mạng; ấy là mới chỉ nói tới việc đi sang nước ngoài mà đã không thấy được một chút an nhàn, thoải mái, vậy mà còn phải đến Nhật học tập cho tới lúc tốt nghiệp để về cứu nước, giúp đất nước phát triển và trở thành một đất nước giàu mạnh, văn minh, tiến bộ; còn chưa kể tới sự khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ mà có lẽ phải mất không ít thời gian để ta có thể thích nghi được.

Nhưng, nhờ vào những lời lẽ thiết tha, sắc sảo, mang đậm chất yêu nước, thương người cùng những bằng chứng xác thực, thuyết phục về cuộc cải cách trước đây của Nhật Bản đã thành công rực rỡ, những cái nhìn thực tế về hiện tại của nước Nhật cho con một tia hy vọng tuy mỏng manh nhưng lại phát sáng mạnh mẽ; đồng thời chỉ ra cho mọi người thấy hiện thực nước ta thật đáng buồn, đáng lo biết mấy mà qua đó chỉ ra đường lối để nước ta thoát khỏi cảnh tượng như hiện nay. Vì vậy, con đã bị thầy thuyết phục hoàn toàn và quyết định đi trên con đường mà thầy đã chọn, con quyết không hối hận về quyết định này vì đây không phải quyết định bồng bột nhất thời con nổi máu anh hùng mà để có được lời khẳng định như vậy, bao đêm con đã trằn trọc không sao ngủ nổi để suy nghĩ và đưa ra quyết định này.

Con cũng đã suy nghĩ về những dự định khi đến Nhật, đầu tiên con sẽ kiếm một việc làm ổn định ở đó và tận dụng thời gian rảnh không phải làm việc để học tiếng Nhật và văn hóa Nhật rồi tiếp theo con để dành tiền rồi đi học, con sẽ cố gắng học hành thật tốt, thật nhanh chóng tốt nghiệp để hoàn thành trách nhiệm của một đứa con của Tổ quốc Việt Nam kính yêu. Sau đó con sẽ về nước, sẽ truyền đạt những gì con đã học được cho mọi người để họ phát huy cho phù hợp với nước ta. Con sẽ giúp họ đạt được những tiến bộ của nước Nhật. Con sẽ giúp cho nước ta thoát khỏi tình trạng như hiện nay và phát triển rực rỡ nhiều hơn. Con sẽ bước đi trên con đường thầy đi và cố gắng không ngừng để đạt được mục đích thầy đã chọn và còn nhiều hơn thế nữa.

 

Học trò của thầy

 

(TTTT, nữ, học sinh lớp 8)