Archive

Posts Tagged ‘dạy học lịch sử phát triển năng lực cho học sinh’

Học sinh Việt Nam vạch kế sách cho Nhật Bản giữa thế kỉ XIX (127)

October 18, 2013 Leave a comment

Kiểm tra 45 phút
Môn: Lịch sử

Đề bài: Vào giữa thế kỉ XIX, trước áp lực ngày một gia tăng của các nước đế quốc phương Tây, Nhật Bản đứng trước hai lựa chọn:
1. Cải cách, mở cửa để xây dựng đất nước theo mô hình các nước phương Tây để bảo vệ độc lập dân tộc.
2. Duy trì chính sách hiện thời, cự tuyệt giao lưu với phương Tây để bảo vệ độc lập dân tộc.

Trong bối cảnh đó, nhiều kế sách đã được đưa ra.
Em hãy đóng vai là một người Nhật đương thời có chí lớn để đưa ra kế sách cho Nhật Bản.

Bài làm

Thân gửi các vị anh hùng hảo hán trong và ngoài nước!

Hôm nay đây, tôi-một thôn nữ nghèo mang trong mình một niềm yêu quê hương sâu sắc mạo muội viết những dòng này để nêu một số ý kiến của mình trong việc bảo vệ đất nước. Xin quý vị hãy nán lại ít lâu, biết đâu  xem xong những dòng này mỗi chúng ta sẽ tìm được điều gì đó lớn lao hơn là ý kiến của cô gái nhà quê này!

Đứng trước hai lựa chọn để bảo vệ đất nước, theo tôi, chúng ta chẳng cần cân nhắc lâu mà hãy lựa chọn việc canh tân để phát triển đất nước. Tôi chẳng dám nói những lời thiếu căn cứ. Hãy trở lại quá khứ, khi đoàn sứ Perry của Hợp chúng quốc Hoa Kì đến mang theo lá thư yêu cầu Nhật Bản mở cửa, khi thấy những con thuyền lớn chưa bao giờ nhìn thấy, người dân ở Uruga đã phải vội vàng mang tài sản, đồ vật chạy trốn. Chẳng phải dân ta không yêu nước đâu mà khi ấy, với vũ khí lợi hại của người Mĩ lúc bấy giờ chắc chính những kể cầm quyền cũng phải khiếp sợ, nói gì đến dân đen chúng tôi. Chúng đến đất ta, phạm tội với dân ta mà không được xử theo pháp luật, còn gì nhục bằng. Thê nhưng nếu cứ khư khư bảo thủ, giữ lấy cái suy nghĩ duy trì chính sách, chế độ phong kiến hiện thời, cự tuyệt mọi giao lưu với phương Tây thì chỉ là cái nhìn ngắn hạn bởi hôm nay, chúng không ở nước ta nhưng ngày mai lại trang bị đầy đủ vũ trang hiện đại đến cướp nước thì với  sức mạnh hiện giờ, dù hàng trăm võ sĩ của ta thì cũng chỉ cần một quả pháo của giặc  cũng sẽ tan thành xác pháo. Vậy chẳng lẽ ta cứ can tâm nhìn chúng dùng vũ trang hiện đại, cậy thế hại dân ta sao?

Không! Ngay từ hôm nay, hãy cải cách mở cửa để xây dựng theo mô hình phương Tây, sau đó dùng chính những vũ khí hiện đại của chúng để hạ chúng, như vậy không hiệu quả hơn sao. Có thể bây giờ các vị nghĩ rằng, học theo người Tây là phản quốc nhưng xin thưa, nếu không có chính sách canh tân kịp thời thì bao giờ chúng ta mới có thể đứng lên , giành lại độc lập dân tộc. Con giun xéo lắm cũng quằn, chẳng lẽ ta phải nhún nhường, phải chịu chúng hà hiếp mãi sao?

Theo tôi, việc đầu tiên là phải xóa bỏ sự phân biệt thân phận giữa sĩ, nông, công, thương, để tứ dân được bình đẳng. Có thế việc yêu nước và cứu nước mới không còn là trách nhiệm của riêng ai. Sau đó, chính phủ phải thực thi chính sách nâng cao đời sống và giảm thuế, dùng các chính sách trên mặt trận tư tưởng, kêu gọi đồng bào ta cùng chung tay bảo vệ đất nước chứ không phụ thuộc vào quân đội võ sĩ như từ trước đến nay. Bên cạnh đó, địa tô cũng cần giảm. Để đất nước ấm no thì phải chắc chắn dân ta no đủ. Hà cớ chi mà bắt chẹt, thuế tô khác gì cướp ngày. Thêm nữa cần xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống để phục vụ giao thông liên lạc. Bãi bỏ chế độ nông nô, thi hành chính sách giáo dục chú trọng khoa học kĩ thuật trong giảng dạy, cử học sinh ưu tú đi du học phương Tây, đem thành tựu của phương Tây về áp dụng dạy cho người Nhật. Thứ hai, cần mở quốc hội để tăng thêm lửa cho Tự do dân quyền. Việc bầu cử trong quốc dân được bình đẳng và miễn phí tức là ai cũng có quyền tham gia tranh cử và ứng cử miễn là có đủ tài  năng, nhiệt huyết và trách nhiệm. Phải tăng cường học tiếng nước ngoài để dễ dàng giao lưu  với phương Tây. Tại sao lại thế? Nhớ Sugita Genbaku-làm nghề y ở Edo từng nhìn thấy quyển sách y học Hà Lan, kinh ngạc mà rồi nghiên cứu học thuật về Châu Âu thông qua sách tiếng Hà Lan đã giúp học thuật Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung tăng lên.

Trên đây là một số ý kiến của tôi về việc bảo vệ độc lập dân tộc . Xin mọi người hãy dành chút thời gian cân nhắc những điều trên tôi  có thể chẳng có tài cán, càng không phải bậc trượng phu và đấng mày râu nhưng qua sự gian khổ từng chịu đựng và tình yêu nước cháy bỏng, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những ý kiến trên.

Kính thư

Ran Mori (LTM, nữ học sinh lớp 8-2013)

Phan Bội Châu và phong trào Đông Du (23)

July 2, 2013 Leave a comment

Kiểm tra 45 phút

Môn: Lịch sử

Đề bài: Đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh triều đình Huế đã kí hiệp ước đầu hàng và phong trào Cần Vương bị đàn áp đẫm máu, nhà yêu nước Phan Bội Châu cùng những người đồng chí hướng đã lập ra Hội Duy tân (1904) và khởi xướng phong trào Đông Du. Hưởng ứng phong trào, hàng trăm thanh niên đương thời đã tình nguyện lên đường sang Nhật du học. Em hãy đóng vai là một trong những người thanh niên ấy để gửi thư cho nhà yêu nước Phan Bội Châu bày tỏ rõ lý do hưởng ứng cùng những dự định của bản thân khi học tập ở Nhật và sau khi tốt nghiệp về nước.

Bài Làm

Thân gửi chú Phan Bội Châu!

Cháu nghe nói chú cùng với một số nhà yêu nước khác đang lập ra Hội Duy tân và khởi xướng phong trào Đông Du trong nước. Cháu rất hưởng ứng việc này và viết thư cho chú nghe về những dự định của cháu khi tham gia phong trào này.

Đầu tiên khi nghe đến những hội và phong trào mà chú lập ra, cháu rất có ấn tượng. Đất nước của chúng ta đã hoàn toàn nằm trong tay Pháp qua Hiệp ước Pa-tơ-nốt vừa rồi. Bọn đế quốc Pháp đang được thời cơ chèn ép, bóc lột công sức của nhân dân ta. Nhìn ra bên ngoài, đâu đâu cũng thấy bóng dáng bọn Pháp đi lại nghênh ngang vơ vét của cải. Thấy cảnh này cháu rất căm tức cho số phận nước nhà. Mặc dù muốn làm gì đó, nhưng sức cháu không biết nên bắt đầu từ đâu và làm thế nào. Vì thế nên nghe tên phong trào cháu đã hưởng ứng ngay. Cháu nghĩ việc đi du học Nhật Bản là việc vô cùng tốt và quan trọng. Trong lúc chúng ta đang rơi vào cảnh khổ sai thế này, thì nước Nhật Bản lại đang phát triển mạnh mẽ và vững mạnh. Đi du học Nhật chúng ta có thể học tập những kinh nghiệm của họ trong lúc gặp khó khăn rồi mang những điều đã học được ấy về quê nhà để bảo vệ đất nước. Cháu cũng muốn tha gia Duy Tân hội để có thể góp phần chiến đấu chống Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Đây đúng là một thời cơ tốt để tham gia phong trào này.

Cháu đang suy nghĩ xem nên làm gì khi  học tập ở Nhật. Ở đó, cháu sẽ học thật tốt tiếng nước ngoài, có thể là tiếng Pháp để có thể hiểu biết ngôn ngữ của kẻ thù. Cháu sẽ học cách dạy cho học trò vì nếu sau khi đánh Pháp cháu còn sống, cháu sẽ làm giáo viên để dạy cho học sinh của mình. Ngoài ra, cháu sẽ đi tìm hiểu về lịch sử đất nước Nhật Bản, cùng với cách mà họ gây dựng lại đất nước, giành lại độc lập. Sau khi tốt nghiệp, cháu ẽ quay trở về nước ta lấy những kiến thức đó bàn bạc với các bạn du học sinh khác, rồi bắt đầu thực hành công cuộc kháng chiến chống Pháp đồng thời xây dựng đất nước mình vững mạnh hơn. Mặc dù ước muốn đó không phải dễ thực hiện thế nhưng khi nghĩ lại bộ mặt trơ tráo của lũ đế quốc thực dân Pháp cháu sẽ quyết tâm đến cùng.

Những suy nghĩ trên của cháu chỉ mong chú hiểu được và giúp đỡ cháu. Cháu rất hâm mộ chú vì biết từ sớm chú đã có những hành động yêu nước, kháng chiến chống giặc.

Người gửi
(GLKH)