Archive

Posts Tagged ‘Van hoa Nhat Ban’

Taki Rentaro (1879-1903): Ngôi sao băng trên bầu trời âm nhạc

October 22, 2014 Leave a comment

Taki_Rentaro

Takiren Taro sinh ngày 24 tháng 8 năm 1879 ở Tokyo nhưng liên tục chuyển nhà đến Yokohama, Oita..và học ở  rất nhiều trường tiểu học. Công việc của bố Rentaro, một viên chức chính phủ, liên tục thay đổi và cậu bé Rentaro phải đi theo gia đình chuyển hết vùng này sang vùng khác.

Từ lúc 4 tuổi đến 8 tuổi Rentaro  sống ở Yokohama. Yokohama khi đó được coi là cửa ngõ nhập khẩu văn hóa phương Tây vì thế ngay từ nhỏ Rentaro  có cơ hội làm quen với âm nhạc phương Tây.

Trong thời gian học tiểu học Rentaro rất giỏi vẽ và âm nhạc. Lúc bấy giờ Nhật Bản mặc dù đang gấp rút hiện đại hóa theo phương Tây nhưng âm nhạc phương Tây vẫn còn là thứ mới mẻ với đại đa số người dân Nhật Bản. Tuy nhiên gia đình Rentaro lại là một ngoại lệ. Trong nhà của Rentaro có rất nhiều các nhạc cụ và ngay từ nhỏ nó đã nên quen thuộc với cậu bé. Rentaro có thể  chơi rất nhiều nhạc cụ phương Tây như ác-coóc-đê-ông, ác-mô-ni-ca, vi-ô-lông. Ngoài ra Rentaro còn biết chơi cả sáo trúc.

Rentaro  cũng  tỏ rõ năng khiếu hội họa. Người ta kể rằng do Rentaro cận thị nặng nên khi vẽ cậu thường ghé sát tận mặt giấy. Một vài bức tranh do Rentaro vẽ hiện vẫn được lưu giữ  ở Thư viện Takeda. Takeda là thành phố nơi có dấu tích thành cổ nằm trong  phía núi và là nơi có thiên nhiên tươi đẹp.

Vào thời đó ở Nhật Bản người ta vẫn có thành kiến cho rằng âm nhạc chỉ là thứ dành cho phụ nữ và trẻ con chứ không phải dành cho đàn ông. Mặt khác gia đình Rentaro vốn xuất thân võ sĩ cho nên cha Rentaro phản đối mạnh mẽ chuyện ông học nhạc. Nhưng sau đó nhờ có người em họ thuyết phục mà người cha đổi ý cho phép Rentaro học nhạc. Người em họ này tên là Taki Daikichi, lúc đương thời là một kiến trúc sư có tiếng. Muốn vào học trường nhạc Rentaro phải vượt qua một kì thi quan trọng. Để chuẩn bị cho kì thi Rentaro cần có Piano để luyện tập nhưng ở tỉnh Oita cách xa trung tâm thì kiếm một cây đàn organ cũng là chuyện khó khăn. Thật may mắn, Rentaro tìm được một giáo viên có thể dạy được Organ và bắt đầu học Organ. Ở Tokyo tại ngôi nhà của em họ Taikichi, Rentaro học nhạc dưới sự hướng dẫn của giáo viên Koyama Sakunosuke. Người giáo viên này nhận ra năng khiếu thiên bẩm của Rentaro nên hết lòng giúp đỡ.

Ở Nhật Bản lúc bấy giờ những người có hứng thú với âm nhạc phương Tây ngày một tăng lên và cùng với nó số thí sinh thi vào trường âm nhạc cũng ngày một nhiều. Phần lớn những người dự thi có độ tuổi trên 20, cá biệt  có cả những người khoảng 30 tuổi. Trong số đó Rentaro 16 tuổi là người trẻ nhất. Sau khi đến Tokyo khoảng gần nửa năm vào tháng 9 kì thì diễn ra. Ngoài hát, organ còn có các môn thi khác như tiếng Anh, số học, chữ Hán (Kanji), quốc ngữ, viết luận… Trong số 35 người được phép vào học thử sau đó chỉ có 7 người được vào học chính thức trong đó có Rentaro. Kết quả này một phần có được là do lời giới thiệu của thầy giáo Koyama: “Kentaro là người  được giáo dục ở nông thôn nơi không hề có Piano, không có điều kiện để luyện tập Piano và là người trẻ nhất”.

Rentaro sau khi được phép vào học chính thức đã có cơ hội tiếp nhận nền giáo dục cao nhất về âm nhạc phương Tây. Tiến sĩ Raphael Koeber, người tốt ngiệp với thành tích ưu tú tại trường nhạc Moscow, với tư cách là giáo sư triết học đã được mời đến giảng bài tại đại học Tokyo nhưng ông cũng giảng dạy ở cả trường nhạc và Rentaro đã học Piano từ thầy giáo này. Nobu em gái của văn hào Koda Rohan cũng trở về từ Đức và trở thành giáo sư trường nhạc.

Vào thời đó ở Nhật Bản chỉ trong  trường nhạc nam nữ mới được phép học chung và giao lưu nam nữ bị cấm đoán rất ngặt. Tuy nhiên Rentaro, người đang chịu sự hướng dẫn của giáo sư Koda Nobu và đồng môn học lớp dưới đồng thời cũng là người bạn thân có tên Suzuki thường xuyên đến thăm nhà  thầy Koda Nobu, em gái của thầy là Koda Ko kém Rentaro 2 lớp cũng thường cùng chơi tennis, chơi bài “Bách niên nhất thủ”.

Rentaro dần dần được mọi người xung quanh chú ý vì tài năng thiên bẩm. Năm 20 tuổi Rentaro tốt nghiệp trường nhạc nhưng tiếp tục học tiếp lên khoa nghiên cứu (nay gọi là cao học) chuyên về sáng tác và Piano. Sau hai năm, Rentaro được tuyển làm giáo viên dạy pinao cho đàn em các lớp sau. Rentaro thường biểu diễn các bản sô-nát của Beethoven với cây đàn Piano và trên các tờ báo như Mainichi Shimbun, Yomiuri Shimbun lúc bấy giờ liên tục xuất hiện các bài viết ca ngợi các buổi biểu diễn của Rentaro.

Khi Rentaro vào học cao học thì trường nhạc tách ra độc lập với tư cách là trường chuyên môn và lúc này nhu cầu đưa học sinh đi du học trở nên bức thiết. Trên báo chí khi ấy đăng tải nhiều ý kiến cho rằng cần phải đào tạo nên những nhà giáo dục có khả năng lãnh đạo giới âm nhạc tạo ra những nhân tài âm nhạc, trong lĩnh vực này thì trước hết ưu tiên nam giới.  Trước hết Koda Ko được gửi tới Béc-lin sau đó đến lượt Rentaro. Văn bản của Bộ trưởng bộ Giáo dục chỉ thị cho Rentaro phải học ba năm về sáng tác và Piano ban hành năm 1900 nhưng anh trì hoãn một năm đến năm sau mới lên đường.

Trong một năm trước khi đi du học Rentaro đã tiến hành nhiều hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Các tác phẩm âm nhạc do Rentaro sáng tác vào thời gian này như “Trăng trên lâu đài hoang”, “Hideyoshi Toyotomi”, “Hai mươi dặm qua Hakone” đã được tuyển chọn vào tập bài hát dùng giảng dạy trong các trường nữ sinh. Trong số các tác phẩm đó tác phẩm “Trăng trên thành hoang” vẫn còn gây tiếng vang tới tận ngày nay. Người ta nói tác phẩm này là hồi ức về dấu tích của lâu đài Takeda gắn bó với tuổi thơ của Rentaro. Giai điệu vui vẻ, thư thái của “Hai mươi dặm qua Hakone” cũng quen thuộc với nhiều người. Rentaro còn tham gia biên tập “Tuyển tập bài hát dành cho nhà trẻ” với những bài hát có ca từ đơn giản, trẻ em có thể hát và thưởng thức dễ dàng.

Năm 1901, Rentaro lên đường sang Đức du học. Sau 40 ngày trên biển thuyền cũng đến Đức vào trung tuần tháng 5. Rentaro thi đỗ vào trường nhạc ở Leipzig. Tuy nhiên vào cuối tháng 11 khi đến nhà hát anh bị cúm. Bệnh mãi không khỏi.  Những  người Nhật  sống ở đây  khuyên Rentaro  vào bệnh viện đại học Leipzig chữa bệnh và nghỉ học ba tháng nhưng bệnh không thuyên giảm. Bộ trưởng bộ Giáo dục lệnh cho Rentaro về nước. Rentaro về nhà sau sáu tháng du học và mất vì bệnh lao phổi. Do sợ căn bệnh truyền nhiễm lao phổi lây lan nên sau khi Rentaro mất người mẹ đã đốt hết hành lý của Rentaro và người ta đồn rằng trong đó còn có rất nhiều sáng tác nhạc sĩ chưa hề công bố. Khi ấy Rentaro mới 25 tuổi.

 Nguyễn Quốc Vương 

Kukai (774-835): Nhà sư sáng lập môn phái Chân Ngôn  

October 15, 2014 Leave a comment

220px-Kukai2

 Phật giáo truyền vào Nhật Bản từ sớm và trải qua nhiều thế kỉ đã hình thành nên nhiều môn phái trong đó có Mật giáo. Người đưa Mật giáo vào Nhật một cách bài bản chính là nhà sư  Kukai.

Kukai sinh ra ở Sanuki (tỉnh Kagawa ngày nay). Ban đầu Kukai chưa có ý định xuất gia nên vào học trong một ngôi trường ở Nara để trở thành quan lại. Nhưng rồi như là cơ duyên trong quá trình học ông bị Phật giáo hấp dẫn và quyết định xuất gia tu hành khổ hạnh.

Thiên hoàng Kanmu sau khi lên ngôi đã cho chuyển kinh đô từ thành Heijo (Nara) về Nagaoka (Kyoto) rồi về Heian (Kyoto) nhằm chấn chỉnh lại tình hình chính trị đang rối loạn. Thiên hoàng Kanmu không chấp nhận các nghi lễ tu hành  của các ngôi chùa lớn ở Nara với số lượng tăng sư đông đảo cùng sự can thiệp vào chính trị ngày càng sâu của họ nên đã phái Saicho và Kukai đến nhà Đường học tập Phật pháp nhằm tạo ra Phật giáo mới.

Kukai khi ấy đang tu luyện trên một ngọn núi ở Shikoku đã rời Nhật Bản đến Đường vào năm 804 và học Mật giáo dưới sự chỉ dạy của sư Huệ Quả ở  chùa Thanh Long thuộc Trường An, kinh đô nước Đường.

Sau khi về Nhật, Kukai cho xây dựng chùa Kinkobu-ji (Kim Cương phong tự) ở núi Koya (thuộc tỉnh Wakayama này nay) và sáng lập ra phái Chân Ngôn. Một thời gian sau ông được thiên hoàng Saga ban cho chùa Kyogokoku-ji (Giáo vương hộ quốc tự) và từ đây Kukai tích cực mở rộng hoạt động truyền bá phái Chân Ngôn. Ngoài ra, năm 828 Kukai còn mở ngôi trường có tên Sugeishuchi-in (Tổng nghệ chúng trí viện) dạy Phật giáo, Nho giáo cho học trò không phân biệt thân phận, địa vị xã hội. Về cuối đời Kukai còn được thiên hoàng ban cho chùa To-ji (Đông tự) ở kinh đô, xây dựng Chân Ngôn viện ngay trong cung điện hoàng gia và tiến hành các nghi thức Mật giáo tại đó.

Ban đầu Mật giáo do Kukai du nhập vào Nhật Bản chủ yếu chỉ là những nghi lễ trấn hộ quốc gia nhằm cầu nguyện cho quốc thái dân an, triều đình yên ổn. Nhưng rồi  dần dần Mật giáo thâm nhập vào đời sống thế tục, phục vụ những ước vọng, mơ ước của giới quý tộc với các nghi lễ cầu cho mẹ tròn con vuông, lễ cầu cho kẻ thù thất bại. Mật giáo cũng kết hợp với các nghi lễ có tính ma thuật vốn rất phổ biến đương thời và có sức sống mạnh mẽ.

Sau khi Kukai chết ông được thiên hoàng phong tặng danh hiệu “Đại sư” vì thế người đời còn gọi ông là Kobodaishi (Hoằng Pháp đại sư). Cũng giống như nhiều bậc tu hành nổi tiếng trong lịch sử khác, nhà sư Kukai đã để lại rất nhiều huyền thoại. Hiện nay trên toàn nước Nhật còn lại khoảng 3-4 nghìn “truyền thuyết về Hoằng Pháp đại sư”. Những nơi nhà sư Kukai trong quá trình hành hương thuyết pháp đã đi qua hay nghỉ lại như suối nước nóng, ao, cầu, giếng đều trở nên nổi tiếng trong đó được biết đến nhiều nhất là ao Manno ở Sanuki (tỉnh Kagawa).

Nguyễn Quốc Vương

Trích từ bản thảo “25 nhân vật lịch sử Nhật Bản”

Abeno Nakamaro (698-770): Lưu học sinh 35 năm  không trở về Nhật Bản

October 15, 2014 Leave a comment

download (1)

Bước vào thời kì Nara (710-784), xuất phát từ nhu cầu muốn học hỏi văn minh Trung Hoa, Nhật Bản đã cử nhiều đoàn sứ thần trong đó có cả lưu học sinh tới Trung Quốc. Tính từ thời điểm đoàn sứ thần đầu tiên được phái sang nhà Đường năm 630 dưới thời Thiên hoàng Jomei đến năm 894 khi hoạt động này bị đình chỉ, tổng cộng đã có 16 đoàn sứ thần được phái  đi trong đó có 6 đoàn đến Trung Quốc vào thời kỳ Nara. Đoàn sứ thần ở thời điểm đông nhất có đến 500 người với nhiều thành phần từ các chức vụ chủ chốt như: chánh sứ, phó sứ cho đến các nhà sư, lưu học sinh… Một trong  những lưu học sinh đến Trung Quốc du học và sau đó không một lần trở về Nhật Bản là Abeno Nakamaro.

Abeno Nakamaro ngay từ nhỏ đã lộ rõ là người có tài năng. Năm 717, ông  được gửi đi du học và trở thành thành viên trong đoàn sứ thần thứ 9 sang nhà Đường do Tajihino Agatamori dẫn đầu. Tại kinh đô Trường An ông học cùng với các du học sinh khác đến từ Nhật Bản như: Kibino Makibi, Genpo. Ông học giỏi, thi đỗ và được làm quan văn trong triều Đường phục vụ vua Huyền Tông. Trong thời gian ở đây, ông đã xướng họa thơ văn và giao lưu với các nhà thơ nổi tiếng thời Đường như Lí Bạch, Vương Duy… Người Trung Quốc gọi ông là Triều Hành hoặc Trọng Mãn.

Sống ở Đường lâu năm Abeno Nakamaro muốn trở về Nhật Bản nhưng phần vì ít có cơ hội phần vì vua Đường không cho về. Thời cơ đến khi năm 752 đoàn sứ thần thứ 12 của Nhật Bản do Fujiwarano Kiyokawa đi thuyền đến nhà Đường. Hơn 35 năm sống ở nước Đường, nhân cơ hội này Abeno Nakamaro khi ấy đã 56 tuổi liền đặt ra kế hoạch trở về Nhật Bản. Nguyện vọng của ông lần này được vua Đường chuẩn y.

Vào thời đó hành trình từ Nhật Bản đến Trung Quốc vượt qua mặt biển mênh mông  ẩn chứa vô vàn hiểm nguy và bất trắc. Mỗi cuộc ra đi rồi trở về giống như một cuộc viễn du đầy mạo hiểm. Thông thường hành trình đi sứ nhà Đường thời Nara sẽ bắt đầu từ cảng Hakata (ở tỉnh Fukushima ngày nay) qua đảo Tangega, Amamio rồi đi ra biển. Con đường này thường được gọi là “Nam đảo lộ”. Ngoài ra còn có một đường khác nữa từ quần đảo Goto trực tiếp đi ra biển gọi là “Nam lộ”. Do lúc bấy giờ kĩ thuật hàng hải chưa có nhiều tiến bộ nên khó có đoàn sứ nào ra đi rồi trở về nguyên vẹn. Vào thời Nara trong 6 lần vượt biển đi sứ chỉ có một lần duy nhất 4 chiếc thuyền xuất phát và trở về nguyên vẹn. Nhà sư Giám Chân (Kanjin) của nhà Đường nhận lời mời của Thiên hoàng Shomu quyết chí đến Nhật truyền dạy đạo Phật mà rốt cuộc cũng phải mất tới 5 năm với 5 lần vượt biển thất bại và đến tận lần thứ 6 mới đến được Nhật.

Đoàn thuyền đưa đoàn sứ thần thứ 12 của Nhật Bản về nước gồm có 4 chiếc trong đó chiếc thuyền thứ nhất chở Fujiwarano Kiyokawa cùng với  các tùy tùng có mặt Abeno Nakamaro. Theo như sự ghi chép của phía Nhật thì chiếc thuyền thứ nhất này có 18 người gồm chánh sứ, phó sứ, thông dịch, y sư, người cầm lái, thủy thủ… Lúc này trên chiếc thuyền thứ hai trong đoàn còn có mặt sư Giám Chân (Kanjin), người muốn sang Nhật truyền bá đạo Phật và ở thuyền thứ ba còn có Kibino Makibi, một hào tộc xuất thân ở địa phương có tài năng và sau này trở thành Tá đại thần. Theo lịch xưa, năm đó vào đúng ngày 15 tháng 11, bốn chiếc thuyền xuất phát ở Tô Châu thuộc hạ lưu sông Dương Tử hướng ra biển. Tuy nhiên trong lúc giương buồm một con chim trĩ bay đến chiếc thuyền chở Abeno Nakamaro. Lo sợ chim báo điềm gở, đoàn thuyền tạm dừng ngày xuất phát và đêm đó nghỉ lại trên sông Dương Tử. Tương truyền đêm đó dưới ánh trăng phản chiếu trên mặt sông Dương Tử Abeno Nakamaro đã vừa ngắm trăng, ngâm thơ, vừa nhớ về kinh thành Heijo ở Nhật Bản nơi ông đã lên thuyền ra đi vào năm 717 lúc mới là chàng trai 20 tuổi và chưa một lần trở lại.

Chiếc thuyền chở Abeno Nakamaro trên đường trở về Nhật Bản gặp mưa bão và trôi dạt về phương nam. Tin dữ báo về triều đình, nhà thơ Lý Bạch nghe lầm ông đã chết ngoài biển khơi liền viết mấy vần thơ cảm thán. Trên thực tế Abeno Nakamaro cùng những người trên thuyền bị trôi dạt vào địa phận ngày nay là thành phố Vinh của Việt Nam (khi đó là An Nam thuộc Đường). Kết cục chuyến đi bất thành và Abeno Nakamaro trở lại Trường An. Ở đây ông tiếp tục làm quan trong triều Đường và năm 766 được phái sang An Nam nhận chức An Nam tiết độ sứ. Năm 770 Abeno Nakamaro qua đời. Giấc mơ trở về quê hương Nhật Bản của ông vĩnh viễn không thành. Với tư cách là thi nhân, Abeno Nakamaro có mặt trong các tập thơ cổ của Nhật Bản như:  “Cổ kim hòa ca tập”, “Ngọc diệp hòa ca tập”… Thơ ông cũng được chọn ghi trên lá bài trong trò chơi “Bách nhân nhất thủ”, một trò chơi truyền thống của Nhật Bản thường  diễn ra trong những ngày đầu năm mới.

 Nguyễn Quốc Vương 

Trích từ bản thảo “25 nhân vật lịch sử Nhật Bản”

 

 

Ando Hiroshige (1797-1858): Người họa sĩ cô đơn.

June 23, 2014 Leave a comment

 

 220px-Portrait_à_la_mémoire_d'Hiroshige_par_Kunisada

Khi dạo bước trong các bảo tàng mĩ thuật Nhật Bản bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những bức tranh có tuổi thọ vài trăm năm và rất có thể bạn sẽ đứng trước bức tranh có tên “Mưa đêm ở Karasaki”. Trong tranh là khu rừng có đền thờ thần đạo và những hạt mưa xuân đang im lặng  rơi theo chiều thẳng  đứng xuống mặt hồ lạnh lẽo. Làn sóng xanh của mặt hồ diễn tả tột cùng cái lạnh cô liêu.

Đấy là một trong nhiều bức tranh phù thế với chủ đề phong cảnh của họa sĩ Ando Hiroshige.

Tranh phù thế vốn ra đời vào thời kì Edo (1603-1867) và được phổ biến rộng rãi nhờ vào các bản in khắc gỗ. Khi vẽ tranh phù thế, ban đầu các họa sĩ dùng mực tàu nhưng về sau vào thế kỉ XVIII, Suzuki Harunobu đã sáng tạo ra kĩ thuật in khắc màu. Chủ đề trong tranh phù thế thường là mĩ nhân, diễn viên, lực sĩ, cuộc sống của thường dân và phong cảnh. Phong cảnh trong các bức tranh của họa sĩ Ando thường diễn tả cảm xúc cô đơn tới tột cùng.

Ando Hiroshige sinh năm 1797 tại Edo (ngày nay là Tokyo) trong một gia đình võ sĩ hạng dưới. Hồi nhỏ ông có tên là Tokutaro nhưng khi trưởng thành người ta lại thường gọi ông là Tokueibe. Hiroshige là tên do thầy dạy họa Utagawa Toyohiro đặt cho khi ông được nhận làm trò.

Gia đình Ando Hiroshige vốn không có truyền thống hội họa. Cha Ando Hiroshige làm nghề cứu hỏa ở Edo. Tháng 2 năm 1809, mẹ ông qua đời khi ông 13 tuổi và kể từ đây ông theo cha làm nghề cứu hỏa. Tháng 12 cùng năm, cha ông lại qua đời. Sự việc cha mẹ lần lượt qua đời trong cùng một năm khi Ando Hiroshige mới ở tuổi mười ba có lẽ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn họa sĩ và biểu hiện trong những bức tranh thấm đẫm cảm xúc cô đơn, buồn bã ông vẽ sau này.

Vào thời đó những người làm nghề cứu hỏa như gia đình Ando Hiroshige thông thường được tập hợp lại trong tổ chức phòng hỏa của thành Edo. Tổ chức này được cấp bốn ngàn thạch gạo và sáu con ngựa trong một năm cùng với số nhân viên là 30 người. Ando Hiroshige làm nghề cứu hỏa suốt 15 năm sau đó nhường lại vị trí này cho con trai là Nakajiro ở tuổi 27. Trong quãng thời gian làm việc như nhân viên cứu hỏa ở Edo, tên tuổi Ando Hiroshige đã được tướng quân, người đứng đầu chính quyền Mạc phủ, biết đến khi ông cùng các nhân viên khác dập tắt được một đám cháy lớn ở khu phố Kogawamachi.

Hiroshige lần đầu tiên tiến hành chuyến đi dọc theo con đường Tokaido (con đường lớn nối đông và tây Nhật Bản) vào khoảng mùa thu năm 1832. Khi ấy ông tròn 36 tuổi. Trên con đường lớn này hằng năm vào tháng 8 ở Kyoto sẽ diễn ra nghi lễ “Kéo ngựa”. Đây là nghi lễ tiếp nhận ngựa cống tặng từ các lãnh chúa daimyo khắp nơi dành cho  thiên hoàng. Trong nghi lễ này, tướng quân ở Edo, người thực chất nắm trong tay quyền cai trị Nhật Bản, cũng tiến ngựa. Người ta truyền rằng Ando Hiroshige là một người trong đoàn tiến ngựa ấy. Chuyến đi từ Edo (Tokyo) đến Kyoto qua nhiều miền đất với biết bao phong cảnh có lẽ  đã để lại trong lòng Ando Hiroshige nhiều ấn tượng và cảm xúc sâu sắc để rồi sau khi về Edo ông đã vẽ một loạt các bức tranh miêu tả phong cảnh trên đường và những trạm nghỉ chân. Những bức tranh này đã  gây được tiếng vang lớn. Từ đó trở đi Ando Hiroshige trở thành một trong những họa sĩ đứng đầu về tranh phong cảnh. Ngoài vẽ tranh, họa sĩ Ando Hiroshige còn có thú vui thưởng thức những đồ ăn ngon ở những vùng mà ông đã đặt chân.

Họa sĩ Ando Hiroshige mất năm 1858 ở tuổi 62. Tháng 4 năm 1882, 24 năm sau ngày Ando Hiroshige mất, các môn đệ hậu sinh đã lập bia kỉ niệm ông ở ngôi đền thần đạo Akiba nhưng tấm bia về sau bị phá hủy bởi trận không kích của quân Đồng minh vào Tokyo trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Về sau nhà văn Nakano Shigeharu đã viết một cuốn tiểu thuyết có tựa đề mang tên họa sĩ: “Hiroshige”. Tiểu thuyết này được tạp chí Shincho đăng tải vào tháng 7 năm 1945.

Đã hàng trăm năm qua đi kể từ thời điểm họa sĩ Ando Hiroshige vẽ những bức tranh phong cảnh. Cảnh sắc và xã hội Nhật Bản đã có nhiều biến đổi nhưng những bức tranh phong cảnh của Ando Hiroshige vẫn làm lay động lòng người bởi cái đẹp cô đơn. Bức tranh vẽ cảnh cơn mưa rào buổi chiều trên cây cầu lớn ở Tokyo trong loạt tranh “Một trăm thắng cảnh nổi tiếng” là minh chứng. Bức tranh vẽ 7 người nam, nữ đang dấn bước trên cây cầu bắc qua sông Sumida ở Edo trong cơn mưa dữ dội. Trong đám người ấy có 2 thiếu nữ  mặc Kimono vén tà áo lên tới đầu gối và đang cố gấp chiếc ô. Phía trên là những đám mây đen mọng nước, phía đối diện là khu rừng mờ sương và bên dưới là chân cầu ngấn nước. Người ta cũng nói rằng tranh của Ando Hiroshige còn có ảnh hưởng đến các danh họa bậc thầy thế giới như Vincent van Gogh, Claude Monet.

 Nguyễn Quốc Vương

Trích từ bản thảo “25 Nhân vật lịch sử Nhật Bản”

Những ngày quốc lễ ở Nhật Bản

August 27, 2013 Leave a comment

Nhật Bản có những ngày quốc  lễ nào?
Theo SGK môn Xã hội (quyển hạ) lớp 6 của Nhật Bản (Nihonshoseki xuất bản năm 2005) thì Nhật Bản có các ngày quốc lễ sau:

Ngày 1 tháng 1: Nguyên đán

Ngày thứ 2 của tuần thứ hai tháng 1: Ngày lễ thành nhân

Ngày 11 tháng 2: Ngày kỉ niệm kiến quốc

Khoảng ngày 21 tháng 3: ngày xuân phân

Ngày 29 tháng 4: Ngày Showa

Ngày 3 tháng 5: Ngày kỉ niệm Hiến pháp

Ngày 4 tháng 5: Ngày xanh

Ngày 5 tháng 5: Ngày trẻ em

Ngày thứ 2 của tuần thứ 3 tháng 7: Ngày của biển

Ngày thứ 3 của tuần thứ 3 tháng 9: Ngày người cao tuổi

Khoảng ngày 23 tháng 9: Ngày thu phân

Thứ 2 của tuần thứ 2 tháng 10: Ngày thể dục

Ngày 3 tháng 11: Ngày văn hóa

Ngày 23 tháng 11: Ngày cảm ơn người lao động

Ngày 23 tháng 12:  Sinh nhật Thiên hoàng

 

Xã hội địa phương và mối quan hệ Danka trong cấu trúc cai trị của Mạc Phủ (3)

July 5, 2013 Leave a comment

Tạp chí nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản số 28 tháng 3,4 năm 2001

Xã hội địa phương và mối quan hệ  Danka trong cấu trúc cai trị của Mạc Phủ

Tác giả: TAMAMURO Fumio

Bài báo này ban đầu được công bố trong TAMAMURO 1999, trang 178-223. Đây là bản dịch tiếng Anh cho JJRS thực hiện bởi Holly Sanders và được biên tập lại bởi tác giả.

Nguyễn Quốc Vương dịch sang tiếng Việt.

 

Homyo và Kaimyo.

 

Ở đây tôi sẽ vẽ ra Zenshu ingo dogo kaimyo jiten, thứ chứa thông tin chi tiết về dạng thức ban cho pháp danh  và kaimyo, đặc biệt trong các môn phái Thiền (EGAKU 1989, trang 11-13). Dạng thức dành cho homyo là như dưới đây ( tuổi nằm trong Kazoedoshi hoặc đếm kiểu Nhật)

 

Khi trao tặng một Ingo (Viện hiệu)

XX in (ingo) YY (dogo-đạo hiệu) ZZ (homyo/kaimyo) koji-cư sĩ (daishi đại tỉ)

Khi không trao tặng một Ingo

YY (dogo) ZZ (homyo/kaimyo) koji (daishi)

Ingo (viện hiệu): Một sự kính cẩn được dùng để diễn tả sự kính trọng đối với người có thành tựu thế tục. Những cái tên như ken, an, sha, sai, do, en được coi như ingo. Thứ hạng cao hơn là cái tên inden daikoji (Viện điện đại cư sĩ) nhưng nó được giới hạn chỉ dành cho tướng quân và daimyo trong thời Edo.

Dogo (đạo hiệu): thường sử dụng hai ký tự dưới ingo và trên homyo

Homyo (kaimyo-Pháp danh): có hai ký tự

Igo (vị hiệu) tiếp nhận sự phụ thuộc vào chiều sâu của sự tận tụy và lòng mộ đạo của người chết.

Daizenjomon (Đại thiền định môn)/ Daizenjoni (Đại thiền định ni): được trao cho gia đình người sáng lập và tướng quân (shogun)

Daikoji (Đại cư sĩ)/Shodaishi (Thanh đại tỉ): tương ứng với indengo. Trong vài trường hợp được dùng như ingo.

Koji (cư sĩ)/Daishi (đại tỷ): được trao cho những người đàn ông và phụ nữ  có vị trí xã hội cao và những người dâng nộp các dịch vụ đặc sắc cho môn phái hoặc chùa.

Shinji (tín sĩ)/Shinnyo (tín nữ): được trao cho  những người đàn ông và phụ nữ trên 15 tuổi người đã học tập tôn giáo mà không gia nhập một cách chính thức vào thứ bậc và dành cho những ai có pháp danh khi vẫn còn sống.

Zenjomon (thiền định môn)/Zenjoni (Thiền định ni): Ban đầu được trao cho những người đàn ông và phụ nữ những người chính thức gia nhập trật tự nhưng sau đó được trao cho những ai qua tuổi 30 đặt dưới shinji và shinnyo. Đối với các cá nhân dưới 20 tuổi thì danh hiệu là zenmon và zenni.

Bên cạnh như trên, homyo đặc biệt được dành cho trẻ em tùy thuộc vào tuổi của chúng.

Doji (đồng tử)/Dojo (đồng nữ): được trao cho các bé nam và bé nữ từ 4 đến 14 tuổi.

Gaiji (hài tử/hài nhi)/ Hài nữ: được trao cho các bé nam và bé nữ từ 2 đến 3 tuổi.

Eiji (Anh tử) Eijo (Anh nữ): được trao cho các bé nam và nữ những người đã chết trong năm được sinh ra; các trẻ em dưới một tuổi.

Mizuko (thủy nữ): được trao cho các thai nhi bị sẩy hoặc chết khi sinh

Ở trên là homyo được dùng tới tận ngày nay. Trong khi homyo dành cho trẻ em  là không phân biệt, nhiều loại phân biệt đối xử được tạo ra khi trao homyo cho những người đàn ông và phụ nữ trưởng thành. Trụ trì tiến hành lựa chọn dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn mập mờ như dòng dõi, sự giàu có, vị trí xã hội và sự cúng tặng dành cho chùa hay môn phái. Điều này quả thật là một thủ tục rắc rối.

Tiếp theo, tôi sẽ quan tâm tới tình hình thật sự liên quan đến kaimyo trong thời kỳ Edo. Cùng với sự chuẩn bị cho đăng ký báo tử, thứ hạng của kaimyo cũng thể hiện các khó khăn. Sự tương ứng dưới đây, đối với và  xuất phát từ quan tòa của các ngôi chùa và đền thờ Thần đạo  liên quan đến phái Soto (YOKOZAKI 1938, trang 261).

 

Đáp lại một yêu cầu

Không có tiền lệ chính thức nào dành cho ban tặng danka homyo của bậc koji và daishi trong phái Soto. Thậm chí ở bên trong môn phái, không hề có các nguyên lý tôn giáo dành cho việc phân biệt thứ bậc dựa trên nền tảng của sự quý trọng và sự chế nhạo nhưng danka lớn như daimyo và các lãnh chúa trang viên thường nhận được indenkoji (đàn ông) và iden daishi (phụ nữ). Các nhà bảo trợ sáng lập hay các danka mộ đạo đã có đóng góp đặc biệt nhận được koji và daishi. Những cái tên này không giới hạn đối với những người có địa vị võ sĩ. Đôi khi koji và daishi được tặng cho danka có dòng dõi lâu đời nhưng người ta không thể dễ dàng nhận một trong số này chỉ bằng cách đưa ra yêu cầu. Nếu một danka đệ trình một trong số các lý do trên và đưa ra đề nghị và thực hiện cúng tiến để có được sự giác ngộ đạo Phật thì họ sẽ được ban tên nếu điều đó là không thể tránh. Thậm chí sau đó danh tiếng của dòng dõi danka cũng tăng lên. Sau đó (cái tên mong muốn) có thể được ban tặng. Những ai có địa vị nông dân hay thấp hơn nhận zenjomon và zenjoni; koji và daishi bị cấm nghặt. Bất chấp thứ bậc, tất cả trẻ em được ban hogo (pháp danh) là doji hay dojo.

Tháng 2 năm Horei thứ 9, năm Thỏ (1759).

 

Tư liệu này, thứ là một phần của Jisha saikyo mondo nói lên bản chất rằng không có mệnh lệnh của mạc phủ đối với kaimyo và rằng luật tăng lữ chắc chắn đã không tạo ra sự khác biệt nào dựa trên thứ bậc đối với phái Soto. Tuy nhiên, thông thường thì daimyo mà các nhà bảo trợ được tặng các tên như inden koji và inden daishi. Những nhà bảo trợ lớn (những nhà tài trợ đầy quyền lực) và các tín đồ trung thành không chỉ giới hạn trong tầng lớp võ sĩ nhận các tên như koji và daishi. Thêm nữa, các gia đình có dòng dõi lâu đời đôi khi cũng nhận được các tên này. Rõ ràng là người ta không thể đơn giản đòi hỏi một cái tên và trông đợi yêu cầu này ngay lập tức được chấp nhận nhưng nếu người đó đệ trình lên lý do đối với từng loại được đề cập ở trên và cúng tiến để đảm bảo sự cứu rỗi linh hồn thì yêu cầu sẽ được quan tâm, được đáp ứng thứ mà ngày sinh và chữ không chê vào đâu được. Những ai thuộc về tầng lớp nông dân và thấp hơn được ban tặng các tên như zenjomon và zenjoni; các tên như koji và daishi không được phép. Bất chấp địa vị, trẻ em nhận được các tên như doji và dojo.

Tiếp theo, tôi sẽ quan tâm đến  nội dung của tài liệu này. Trước hết, các tên inden koji và inden daishi có nghĩa được dành cho các nhà bảo trợ đầy quyền lực như daimyo, có thể thấy khi nhìn vào các bia mộ hay các đăng ký báo tử còn lưu lại. Tuy nhiên, những gì tôi muốn đặt vấn đề là sự ban hành quá mức các tên của thứ bậc tiếp theo: koji và daishi. Để nhận được tên thuộc thứ bậc này, đoạn văn đề cập đến 4 điều kiện: 1, người sáng lập gia đình; 2, tín đồ ngay thật ; 3, dòng dõi gia đình lâu đời; 4, cúng tiến tiền để được cứu rỗi linh hồn. Trong số đó, điều kiện thứ 2 và thứ 4 rất khó tìm hiểu. điều kiện thứ hai không xác định những gì bao gồm “sự ngay thật”  hoặc nói một cách khác một “việc làm tốt”. Ví dụ như, nó không nói dứt khoát liệu việc cúng tiến một chiếc chuông, một pho tượng hay đồ thờ cúng hoặc đóng góp để sửa chữa hay xây dựng chùa hay thậm chí cúng tiến đất đai có được tính là một hành động ngay thật hay không. Tương tự như vậy, điều kiện số 4 không xác định số lượng tiền. Người ta có thể cho rằng 2 và 4 quan tâm đến độ lớn của đóng góp đối với ngôi chùa. Hoặc chúng có thể bao gồm sự quan tâm đến dòng dõi của danka. Một vấn đề khác liên quan đến việc quy các tên như zenjomon và zenjoni cho những người thuộc tầng lớp nông dân và những người có địa vị thấp hơn. Từ một góc độ khác, người ta phải hỏi tại sao quan tòa của chùa và đền thờ thần đạo đặt ra yêu cầu  đối với những vấn đề này. Phán đoán từ các bia mộ và đăng ký báo tử thì thấy có một vài những người nông dân-những người nhận được tên thuộc thứ bậc koji và daishi hoặc shinji, shinnyo chứ không phải chỉ có zenjomon và zenjoni. Chúng tôi sẽ không nhìn qua thực tế rằng người ta có thể mua kaimyo của thứ bậc nhất định  phụ thuộc vào việc họ dùng bao nhiêu tiền.

Một lệnh cấm mà mạc phủ ban hành ở mức độ nhỏ sau đó vào năm 1831 quan tâm tới sự ban hành quá mức homyo, ingo và kojigo và dựng một số lượng lớn bia mộ.

 

Gần đây người ta nghe rằng những người nông dân và những người dân thành phố tiến hành những đám tang quy mô lớn không phù hợp với địa vị của họ, rằng họ dựng các bia lớn tại nghĩa địa và rằng họ đã nhận kaimyo thuộc thứ bậc ingo và kojigo. Từ nay về sau, những người nông dân và những người dân thành phố, thậm chí là những người giàu có và đặc biệt cũng sẽ không được làm đám tang tổ chức bởi trên 10 nhà sư. Họ cũng phải cúng tiến tương xứng với quy mô đất đai họ có. Chiều cao và chân đế của bia mộ giới hạn tới 4 shaku và họ không được nhận kaimyo thuộc thứ bậc ingo và kojigo. Các bia mộ hiện có được để nguyên trạng nhưng khi sửa chữa chúng kaimyo như ingo và kojigo phải bị xóa đi. Các bia mộ phải được điều chỉnh bằng cách này.

 

Bảng 1. Homyo (kaimyo) giá cả dành cho phái Ji

Homyo                       Price                               đổi ra koku

Goago                        vàng 7 ryo 2 bu                 4.97

Daiichigo                    vàng 7 ryo 2 bu           4.97

Ingo                           2 bu                          .33

Kakuago                    bạc 3 đồng                   1.42

Kojigo                       bạc 3 đồng                   1.42

Daishigo                   bạc 3 đồng                  1.42

Toichigo                   bạc 2 đồng                   .95

 

Tiếp theo tôi muốn quan tâm tới tình hình thực tế liên quan đến việc định giá kaimyo.

 

 

 

Giá cả của Kaimyo

Có một tài liệu gọi là “Phí dành cho tên của những người thế tục” (zaike no hogo gomen hosharyo) được viết bởi trụ trì Ippo của chùa Shogan-ji thuộc phái Ji (một ngôi chùa thuộc phái Ji chi phái Yugyo ở Kurokoma, tỉnh Kai) năm 1712. Tư liệu này chỉ ra thứ bậc và giá cả đối với các tên Yugyo Shonin ban cho những người thường khi ông làm cuộc hành hương vòng quanh đất nước (xem bảng 1)

Theo bảng này, các tên như Goago (dành cho đàn ông) và Daiichigo (dành cho phụ nữ) là đắt nhất với giá 7 ryo 2 bu hoặc 4 koku, 9 to, 7 sho (745.5kg). Một cách ngẫu nhiên, những cái tên chung đối với tất cả các phái, koji dành cho đàn ông và daishi dành cho phụ nữ giá từ 3 đồng bạc hoặc 1 koku 4 to 2 sho (213 kg). Ingo kaimyo giá 2 bu hoặc .33koku nhưng trên thực tế koji hoặc daishi sẽ được đính kèm vì vậy giá thực tế là 1 koku 7 to 5 sho.

Vào ngày 4 tháng 10 năm 1712, trụ trì chùa Hojozi (làng Miharu, huyện Tamura, tỉnh Fukushima) đi tới Saiko-ji (Nakamura, ngày nay là thành phố Soma) nơi Ippo Shonin đang ở. Ở đó ông đã  ban tặng “koji cho 1 người và daishi cho 2 người với giá 6 ryo 3 bu (TAMAMURO 1977, tập 1). Koji và daishi mỗi thứ giá 2 ryo 2 bu cho mỗi người. Đổi ra giá gạo năm đó, số lượng này đại thể tương đương 1 koku 5 to, đắt hơn một chút so với mức 1 koku 4 to 2 sho được liệt kê trong bảng 1. Thậm chí ở giá đó, các tên rõ ràng có thể bán được.

Thêm nữa, nhìn vào trường hợp của phái Soto ở Kanto, một tư liệu từ 1831 chỉ ra rằng ingo, kengo và ango có giá từ 3 đến 5 ryo (xấp xỉ từ 2 koku 4 to tới 4 koku 4 to); koji và daishi có giá 1 ryo (8 to 8 sho); shinji và shinnyo có giá 2 kanmon (4 to 4 sho); và hai chữ kaimyo được thêm vào zenjomon hay zenjoni có giá 1 kanmon (2 to 2 sho). Không có thứ nào trong đó rẻ. Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng chừng nào homyo được quan tâm, những cái tên goago và daiichigo sẽ rẻ hơn trong phái Soto so với trong phái Ji. Tuy nhiên, những kaimyo dành cho phái Ji có thể sánh với các kaimyo được biết đến như indengo trong các phái khác. Nhìn vào ingo kaimyo được ban tặng bởi cả hai phái, với giá 2 koku 4 to tới 4 koku, phái Soto là tương đối đắt khi so với 1 koku 7 to 5 sho trong phái Ji. Koji và daishi thay đổi từ 1 koku 4 to 2 sho tới 1 koku 5 to trong phái Ji so sánh với 8 to 8 sho trong phái Soto; do vậy các thứ bậc này đắt hơn trong phái Ji.

Sự thay đổi theo thời gian trong Kaimyo (Homyo) và sự dao động của giá cả làm cho việc so sánh giá của Kaimyo trở nên khó khăn. Tuy nhiên vấn đề thực sự, nằm ở thực tế rằng thứ bậc của một kaimyo (Homyo) phụ thộc vào mức độ giàu có của người đó. Nói một cách khác, sự đóng góp kinh tế của danka có tương quan với thứ bậc của phật ở thế giới bên kia. Kaimyo đã chỉ cho chúng ta thấy rằng sự phân biệt đối xử tôn giáo dựa trên vị trí xã hội, dòng dõi và thân phận vẫn tiếp tục trong thế giới sau khi chết. Ở bất cứ hạng nào, nếu không có thứ gì khác là chắc chắc, chúng ta có thể chắc rằng bằng việc chỉ định thứ bậc danka, các nhà sư của các chùa chi nhánh đã thực hiện ý đồ của chính họ nhằm vào mục đích kinh tế, thậm chí người đứng đầu ngôi chùa tìm cách để lợi dụng điều đó. Kiểu thứ bậc của kaimyo này trở nên nổi bật vào khoảng năm 1735, thời gian khi hệ thống danka được hình thành.

Tiếp theo, tôi muốn quan tâm liệu danka có thể thay đổi sự gia nhập vào chùa. Luật về chùa của Mạc phủ năm 1665 có chứa từ gợi ý rằng dẫu có thụ động nhưng danka có thể thay đổi sự gia nhập vào chùa theo sự tự nguyện. Nhưng liệu đây có phải là một trường hợp thực tế?

 

Danka và các chùa gia đình

 

Ở đây tôi muốn quan tâm tới mối quan hệ giữa các chùa gia đình và danka, thứ đã hình thành từ từ trong thời Edo, thay đổi trong những năm cuối của thời kì cận thế như thế nào. Đặc biệt, tôi muốn tập trung vào mối quan hệ quyền lực, bắt đầu với vấn đề về việc các ngôi chùa từ chối sản xuất các chứng chỉ đăng ký vào chùa dành cho các danka nhất định.

Sự ra đời của hệ thống danka đã đem lại cho các chùa quyền lực đối với danka. Các chùa bắt đầu sử dụng quyền lực này để tiến hành các biện pháp cứng rắn đối với những danka không cúng tiến và xóa bỏ các danka  phạm lỗi khỏi đăng ký gia nhập tôn giáo. Các chùa, do công dụng của Shuhanken, sẽ  dễ dàng từ chối tạo ra chứng chỉ đăng ký vào chùa, bằng cách đó mà từ chối bảo đảm rằng danka không phải là tín đồ đạo Cơ đốc. Khi điều này được tiến hành, không một thành viên nào của gia đình danka có thể chứng minh rằng ông/bà ta không phải là tín đồ Cơ đốc giáo. Những danka như thế được gọi là “bị loại khỏi sổ” hay “ngoài sổ” (chogai) và bị đưa vào đăng ký hộ khẩu dành cho hinin (Phi nhân) và trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử.

Trong khoảng thời gian 10 năm, danka có thể trở lại địa vị cũ nhưng để làm điều đó danka sẽ cần phải lấy chứng chỉ đăng ký vào chùa để đảm bảo địa vị của mình từ tay trụ trì của chùa. Do đó, danka phải tặng quà cho chùa để có được ân huệ, đệ trình lời xin lỗi bằng văn bản hứa sẽ không chống lại sự mong ước của chùa lần nữa, tìm lấy một người bảo lãnh và đề nghị được tái ghi vào đăng ký gia nhập tôn giáo. Tôi muốn giới thiệu một ví dụ về người đã tiến hành quá trình này. Nông dân Sajiro từ làng Iiyama (huyện Aiko, tỉnh Sagami) đã đệ trình lời xin lỗi dưới đây tới chùa Seiren-ji (làng Sanka, huyện Aiko) của phái Ikko, chi phái Nishi Hongaji.

 

Kính cẩn trình lên lời xin lỗi tới Seiren-ji

Gần đây người ta ra lệnh rằng con bị xóa khỏi đăng ký gia nhập tôn giáo vì sự bất cẩn của con. Con hiểu rằng đó là biện pháp thích hợp. Cho tới nay con đã không tham gia vào các buổi lễ kỉ niệm ngày mất của đức Phật hoặc các nghi lễ kỉ niệm dành cho cha mẹ và tổ tiên của con. Con đã đi ngược lại các mệnh lệnh do chùa ban hành và kể  từ năm Thìn (1844), con đã không trả số thuế phải gánh. Nhiều lần chùa đã viếng thăm con tại nhà nhưng con đã tiếp đón rất thô lỗ. Bằng thái độ như thế, con đã không đóng góp bất cứ thứ gì cho việc tu sửa lại tòa nhà chính-công việc đã được trù tính gần đây. Thậm chí danka từ các ngôi chùa khác đã đóng góp nhưng con thì không. Không từ nào có thể chuyển tải được lời xin lỗi của con vì đã gây cho chùa sự tức giận. Do tất cả sự bất cẩn của con ở điểm này, con trình lên lời xin lỗi thay mặt cho nhóm con (goningumi-nhóm 5 người). Con hi vọng rằng bằng cách này hay cách khác chùa sẽ chấp nhận nó. Nếu chùa làm vậy, con sẽ vô cùng biết ơn. Từ giờ trở đi con sẽ tuân theo luật của ngôi chùa của con và của tỉnh, và con sẽ không bao giờ chống lại mệnh lệnh của chùa. Nếu chùa nhân từ thêm con vào đăng ký gia nhập tôn giáo, nó sẽ là sự phù hộ cực kì vĩ đại hơn cả thứ con xứng đáng. Khi có mối bất hòa nổi lên, con sẽ sắp xếp mọi việc như chùa mong muốn và con sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì đáng ghét. Đây là lời xin lỗi của con dành cho những ngày qua.

(Không rõ ngày), tháng cuối năm Koka thứ 3 (1846), năm Ngọ, Làng  Iiyama  Sajiro.

Bởi vì không có sự không nhất quán nào trong tư liệu nêu trên, cả nhóm đã đóng dấu.

Đại diện nhóm Yasaburo

(ATSUGISHI HISHOBU SHISHI HENSANSHITSU 1986, trang 907).

Từ tài liệu này chúng ta biết Sajiro đã được cảnh báo rằng ông ta sẽ bị loại bỏ ra khỏi đăng ký bởi vì ông ta đã không có sự đóng góp kinh tế  đối với chùa. Mặc dù chùa ép ông ta trả, ông ta đã không có đóng góp cho ngày giỗ Phật (bukki) và các nghi lễ kỉ niệm hàng năm dành cho cha mẹ và tổ tiên ông ta và số tiền mà mỗi danka phải chi trả hàng năm (ông ta đã không trả 3 năm trước) và số tiền dùng để tu sửa tòa nhà chính trong chùa. Nói một cách khác, ông ta đã hoàn toàn lờ đi bổn phận của một danka. Những lời phàn nàn này gắn liền với những nỗ lực của chùa  để điều hành các sự kiện của nó trôi chảy; chúng về cơ bản không liên quan tới liệu chùa có loại bỏ Sajiro khỏi đăng ký gia nhập tôn giáo hay không. Tuy nhiên, Shuhanken trao cho chùa  quyền kiểm tra xem Sajiro có phải là tín đồ Cơ đốc hay không, và chính nó giúp cho chùa quyết định giữ lại hay loại bỏ ai đó khỏi đăng ký. Nói tóm lại, bản chất của hệ thống danka ở thời cận thế là việc chùa sử dụng shuhanken để làm cho danka trở thành nền tảng của tổ chức của mình. Thêm nữa, ngôi chùa gia đình có quyền lực quyết định đối với cuộc sống hay cái chết của tất cả các thành viên của danka. Các tài liệu còn sót lại cung cấp bằng chứng cho điều này. Nếu Sajiro không viết lời xin lỗi, ông ta có thể sẽ không tiếp tục sống được; đó là tình huống thực tế của hệ thống danka. Tiếp theo tôi  muốn giới thiệu một trường hợp liên quan đến một samurai.

 

Một Samurai người bị từ chối quyền phá bỏ mối ràng buộc với chùa gia đình (ridan)

 

Hệ thống danka của thời Edo làm cho không chỉ người nông dân mà cả Samurai không thể chống lại mong muốn của ngôi chùa gia đình và phá vỡ mối ràng buộc với nó. Tôi muốn quan tâm đến ví dụ về Tanaka Sahei, một chư hầu có thứ bậc cao của vùng Kumamoto (ông ta nhận lương 4000 koku). Ngôi chùa gia đình của ông ta là Zenjo-ji của phái Soto trong phố dưới lâu đài nhưng ông cố gắng phá vỡ mối liên hệ với nó và đổi sự gia nhập của mình sang Honmyo-ji của phái Nichiren. Trước hết cho phép tôi miêu tả hai ngôi chùa.

Zenjo-ji nằm bên ngoài cổng Korai của sân lâu đài Kumamoto. Không rõ người bảo trợ sáng lập nó là ai nhưng nhà sư sáng lập là Sunden. Mặc dù ban đầu nó đặt ở Furumachi, ngôi chùa đề nghị được phép chuyển tới và chiếm lĩnh vị trí hiện tại khi Kato Kiyomasa là lãnh chúa phong kiến. Vào thời gian đó nó thay đổi tên ngọn núi của nó thành Gyokuryusan và 5 tan 3 se 9 bu (5, 277 mét vuông) đất đai của nó được miễn thuế (xem Higo, Bungo Goryoai Zenji-in Honmatsucho[1]). Ngôi chùa đứng sau chùa này (chuhonji) là Teinei-ji (tỉnh Nagato) và chùa đứng đầu của nó là Myoko-an tại Kushihi Soji-ji (huyện Fugeshi, tỉnh Noto).

Ngôi chùa khác, Honmyo-ji của phái Nichiren, là chùa đứng đầu trong hệ thống chùa phụ ở trong vùng. Kato Kiyomasa thành lập ngôi chùa vào năm 1588 và năm 1614 mộ ông ta được  chuyển từ nền lâu đài tới chùa, nơi nó được lưu giữ tới ngày nay. Trong thời của Kiyomasa, ngôi chùa đã  giữ 700 koku nhưng sau khi Hosokawa Tadatoshi trở thành lãnh chúa, nó rút ngắn lại còn 400 koku. Ngôi chùa nằm ở làng Nakao, huyện Akita và trong đó có 12 người đóng vài trò là nhà sư. Bản doanh của nó là Honkoku-ji ở Kyoto.

Cả hai chùa, những chùa đầy quyền lực được thành lập vào cuối thời trung đại đã có liên quan đến các sự kiện chính liên quan đến chính quyền trong vùng. Tanaka Sahei thông báo quyết tâm thoát khỏi chủa Zenjo-ji vào ngày 23 tháng 6 năm 1737. Đáp lại, Zenjo-ji đã từ chối đề nghị này:

Thật khó để biết làm thế nào để giải quyết yêu cầu thay đổi sự gia nhập của Tanaka Sahei. Ông ta nói với chúng tôi rằng ông ta định  đi ngược lại hợp đồng 100 năm giữa chùa và danka của ông ta và thay đổi sự gia nhập vào chùa bởi vì một lần ốm đã được chữa trị. Những sự yêu cầu như thế là không được phép.

(SHIN KUMAMOTO SHISHI HENSAN IINKAI 1996, trang 861-70).

 

Tanaka Sahei là một người tàn tật trong thời gian dài và không thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Ông đã cầu nguyện nhiều nơi nhưng không thuốc nào chữa được. Vào lúc ông mệt mỏi với tất cả các biện pháp trị liệu bằng thuốc, ông đã gặp một nhà sư tên là Myoonbo từ chùa Honmyo-ji. Tiếp nhận sự điều trị từ nhà sư này, Sahei hồi phục và muốn thay đổi sự gia nhập tôn giáo từ chùa Zenjo-ji tới chùa Honmyo-ji. Tuy nhiên ông tuyên bố rõ rằng con nuôi ông sẽ duy trì nghĩ vụ với chùa Soto Zen, Zenjo-ji và sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của danka với các ngôi chùa như trước đó. Zenjo-ji mặt khác, từ chối chông nhận đề nghị của Sahei thoát khỏi chùa. Dưới đây là lời giải thích của Zenjo-ji:

 

Liên quan tới đề nghị thay đổi môn phái và gia nhập vào chùa, biết rằng chùa chúng tôi không có gì sai nó không rõ ràng liệu rằng vấn đề nằm ở những lời dạy của môn phái chúng tôi, ngôi chùa hay trụ trì. Không có lý do đặc biệt nào dành cho việc dời bỏ ngôi chùa của chúng tôi. Mặc dù có vẻ như không sao nếu cá nhân dễ dàng thay đổi môn phái hay chùa của mình, nếu cá nhân này dời đi  trong nhiệm kì của tôi với cương vị như là trụ trì chùa, nó sẽ là một vấn đề lớn đối với tôi bởi vì gia đình của cá nhân này đã có mối liên hệ lâu dài và đặc biệt đối với ngôi chùa của chúng tôi với tư cách như là tín đồ…

Ý nghĩa của việc trở thành tín đồ của chùa liên quan không chỉ việc tiếp nhận một đám tang hay nhang thờ (các dịch vụ kỉ niệm) tại ngôi chùa mà tiếp nhận chứng chỉ của chùa chứng tỏ rằng ai đó không phải là thành viên của môn phái ma quỷ. Do đó, sẽ là không thể cho ai đó thay đổi sự gia nhập môn phái mà không bị trừng phạt.

 

Zenjo-ji có vị trí mà dù thế nào đi nữa nó cũng không có lỗi nên nó sẽ không cho phép Sahei thay đổi sự gia nhập vào chùa, thứ đã duy trì ở gia đình ông ta suốt 100 năm. Ngôi chùa cũng nhấn mạnh vai trò của nó như như là một điều tra viên phụ trách việc gia nhập tôn giáo. Đáp lại, Honmyo-ji đã đưa ra phản biện sau:

 

Ý kiến cho rằng mối liên hệ lâu đời giữa tăng lữ và  người thế tục là có lợi cho người thế tục trong cả thế giới này lẫn thế giới bên kia, (tôi phải nói) nếu tôi không nói dối, nó (không phải là sự phản ánh ) cảm giác thực sự của tôi. Thêm nữa, (nhà sư của Zenjo-ji nói rằng việc cắt bỏ mối ràng buộc danka đã có lâu đời) sẽ vô hiệu hóa quyền lực của phật và thần bảo vệ sinh linh nhưng bởi vì tôi nghi ngờ điều này, tôi đã hăng hái đưa ra ý nghĩ của tôi (rằng danka nên được dựa trên lòng trung thành hiện tại, và không phải đơn giản là  truyền thống của mối quan hệ thế tục với một ngôi chùa hay tăng lữ xác định nào đó). (Để đáp trả lời biện hộ của các ông về  tiền lệ vượt qua lòng trung thành hiện tại), tôi nói rằng (một vị trí như thế) sẽ làm cho nó rất khó đối với mọi người để thờ phật  và thần  thứ ban tặng sự cứu rỗi linh hồn. Nếu các ông nói rằng (việc loại bỏ mối ràng buộc của danka là vô lý, ta vặn lại bằng việc nói rằng các ông đang cưỡng ép mọi người nhận tội không  tiếp nhận phật, thần và áp đặt họ.

 

Honmyo-ji chỉ trích Zenjo-ji bằng cách khẳng định rằng bản chất của mối quan hệ của hộ gia đình đối với một ngôi chùa là dựa trên lòng trung thành hơn là dựa trên nghĩa vụ của danka đối với ngôi chùa gia đình của ông ta. Honmyo-ji đưa ra lý lẽ sau:

 

Bởi vì Luật (mạc phủ) nói rằng sự gia nhập tôn giáo phụ thuộc vào  sở thích (của chính danka), các nhà sư không được ép buộc người thế tục; do đó, liệu có phải rằng các ông đã vi phạm luật này?

 

Homyo-ji đã đưa ra một điều khoản từ Shoshu jiin hatto (Chư tôn tự viện pháp độ), một bộ luật năm 1665 được ban hành bởi Mạc phủ: “các gia đình danka nên phó thác bản thân họ cho chùa, bất chấp ngôi chùa đó là như thế nào và các nhà sư không được tranh giành tín đồ thế tục”. Từ vị trí hiếu chiến này, Honmyo-ji nhấn mạnh rằng dưới bộ luật của Mạc phủ, phá vỡ mối ràng buộc với một ngôi chùa là có thể. Sự tranh cãi này là chắc đúng nhưng điều kiện không cho phép một kết luận như thế được thực thi. Cuối cùng, lãnh địa Kumamoto đã không thể giải quyết vấn đề và cầu cứu quan tòa dành cho chùa-đền. Chức vụ của Sahei bị dỡ bỏ và ông ta bị bắt tại nhà. “hoàn cảnh của sự chuyển đổi (yêu cầu) được cho là không thích hợp, vì vậy đi cùng với nó, Sahei đã bị đưa ra khỏi nhiệm vụ của mình và bị bắt giữ tại nhà”.  Thậm chí đối với những người có vị thế như Sahei bức tường ngăn chặn phá vỡ mối liên hệ với chùa vẫn rất lớn; tự do tôn giáo không được công nhận. Người ta có thể nói rằng quyền lực của các ngôi chùa gia đình là thứ thật đáng sợ.

Như hai ví dụ ở trên, trong mối quan hệ giữa chùa và danka, ngôi chùa đã có quyền lực quá mạnh. Thêm nữa, triết lý trong tác phẩm được đề cập ở trên Gojomoku gây ra sự sợ hãi. Với tư cách như là một Samurai có thứ bậc cao nhất, Sahei là một công chức đầy quyền lực ở lãnh địa Kumamoto trong việc kiểm soát các ngôi chùa, nhưng sự đối lập với ngôi chùa gia đình của ông ta đã tước đi của ông cả vị trí xã hội và địa vị xã hội. Mặc dù nó không tuân theo logic xã hội, các ngôi chùa gia đình dường như có quyền lực để ngăn chặn thâm chí là quan tòa tôn giáo cho phép thay đổi ngôi chùa gia đình của mình. Vô số các tư liệu còn lại chứng minh rằng thái độ ngôi chùa gia đình có đối với nông dân Sajiro đề cập ở trên là tiêu biểu. Và những điều kiện có hại của hệ thống danka nằm chính trong thái độ như thế.

(còn tiếp)


[1] Tư liệu này được giữ tại Eisei Bunko của thư viên đại học Kumamoto.

 

Một số môn thể thao và trò chơi truyền thống Nhật Bản

February 25, 2012 Leave a comment

Sumo

Đây là môn vật truyền thống của Nhật và đến năm 1909 thì được quy định là môn thể thao quốc gia. Vào thời cổ đại nó được coi là nghi lễ của hoạt động sản xuất nông nghiệp và đạo Shinto vì thế ngày nay nó vẫn là yêú tố cấu thành một số lễ hội. Trong trận đấu Sumo hai võ sĩ sẽ mặc khố và bước vào vòng tròn chiến đấu. Khi một trong hai người bị đẩy ra khỏi vòng hoặc bị chạm sàn (ngoại trừ chân) thì bị thua và trận đấu kết thúc. Hiệp hội sumo Nhật Bản tổ chức 6 vòng đấu mỗi năm và có phát sóng trên TV , radio.

Từ những năm 1960 giải sumo chuyên nghiệp quốc tế được diễn ra thường xuyên và nó trở nên được ưa chuộng đến mức có cả một tạp chí tiếng Anh về sumo ra đời gọi là “ Sumo world” và được đón đọc ở một số quốc gia. Thêm vào đó sự tham gia của các võ sĩ người nước ngoài gần đây cũng gây được chú ý.

Hanetsuki (羽根つき)

Là trò chơi được các bé gái chơi vào năm mới, nó gần giống như cầu lông. Một chiếc vợt gỗ gọi là Hagoita (羽子板) trên đó có vẽ một bức tranh đẹp, được dùng để đánh quả cầu đi. Quả cầu nhỏ có cắm lông ở trên. Quả cầu được hai người đánh đi đánh lại. Một số vợt được trang trí bằng chân dung các nhân vật và thường kiểu này rất đẹp nên được ưa thích.

Người chơi trò này phải mặc trang phục trang trọng của ngày lễ và cũng có một luật khác được áp dụng là bé gái người bị bại trong trò chơi phải chịu một nhát vẽ trên mặt bằng bút lông chấm mực tàu. Các bé gái mặc Kimono chơi trò này đã từng là một trong những nét đặc sắc của năm mới. Nhưng gần đây hiếm khi người ta nhìn thấy những nó nữa bởi nơi để chơi không còn do đô thị hóa và trò chơi dành cho trẻ em thì thay đổi và càng ngày càng bùng nổ.

Thả diều (凧揚げ-Takoage)

Diều của Nhật thường có hình vuông được làm bằng giấy dán trên khung tre và hình các võ sĩ hoặc các vũ công Kabuki được vẽ trên đó cùng với các dòng chữ tiếng Nhật. Diều vốn là trò chơi được dùng để cầu nguyện cho đứa bé trưởng thành và tương lai hạnh phúc nhưng bây giờ nó được coi là một trong những hoạt động của Tết. Bên cạnh năm mới còn có giải thi đấu diều khu vực nơi người ta dùng tới cả những chiếc diều lớn tới 10m.

Chơi bài (カルタ-Karuta)                                        

Từ Karuta này bắt nguồn từ từ Carta của tiếng Bồ đào nha. Karuta có hình chữ nhật giống như các quân bài bình thường trên đó có các bức hình hoặc các dòng chữ Nhật. Khi chơi một người chơi sẽ đọc to một lá bài (yomi-fuda) và những người khác tranh nhau để giành lấy quân bài tương ứng với bài thơ ấy( efuda). Người nào giành được nhiều lá bài nhất sẽ thành người chiến thắng.

Như một khía cạnh tiêu biểu cho văn hóa Nhật bản, trong trò chơi này có các iroha-garuta có chứa các câu cách ngôn Nhật và các bài thơ nhật (uta-garuta) thường là các bài Tanka có 31 âm tiết. Ngày nay trò chơi này chủ yếu được chơi vào dịp tết.

“Bách nhân  nhất thủ” (百人一首).

Nghĩa của cụm từ trên chỉ  một trăm bài thơ được viết bởi một trăm tác giả. Nói chung nó có ý chỉ tuyển tập thơ có nhan đề “小倉百人一首” do Fuji wara no Teika tuyển ch ọn. Nó bao gồm 100 bài tanka (những bài thơ Nhật cổ điểm có 31 âm tiết). Mỗi bài thơ được sáng tác bởi một nhà thơ nổi tiếng trong thời Heian(794-1185) và những năm đầu thời Kamakura. Từ thời Edo những bài thơ này được sử dụng rộng rãi như lá bài thơ (uta-garuta). Chiếm đa số là 43 bài viết về tình yêu và đứng thứ hai là các bài thơ về mùa (32 bài). Có 79 nam thi sĩ và 21 nữ sĩ. Họ diễn tả cảm xúc của mình về tình yêu, mùa màng  rất tinh thế đậm phong cách Nhật Bản. Nó được biết tới như một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học cổ đại Nhật Bản. Đây cũng là một trò chơi phổ biến trong dịp năm mới.

Nguyễn Quốc Vương dịch từ 日本の文化を英語で紹介する事典。(A billingual Handbook on Japanese culture

Tác giả 杉浦 洋一(yoichi Sugiura) và John K.Gillespie.

Nxb Natsume (ナツメ)。Năm 2004.

Kiếm Nhật và Vườn Nhật Bản

February 24, 2012 Leave a comment

Byobu (屏風)

Là vật gia dụng được dùng trong phòng để ngăn gió hoặc làm tấm liếp trang trí. Chúng gồm có từ hai cho đến 6 tấm được nối với nhau với chiều cao tiêu chuẩn khoảng một mét rưỡi và rộng khoảng 66 cm, các tấm này được đặt theo kiểu gấp lại một nửa để cho khỏi đổ. Bề mặt được phủ giấy và một mặt được trang trí bằng các bức họa Nhật Bản và các lá vàng lá bạc.

Người ta ghi nhận chúng đến từ Hàn Quốc và vào thời kì Heian (794-1185) chúng được sử dụng trong các gia đình quý tộc. Sau đó chúng được dùng trong các ngôi chùa và vào thời Azuchi-Momoyama (1573-1603) chúng phổ biến đến tầng lớp võ sĩ và dân chúng. Hiện nay, ngoại trừ trong các đám cứơi chúng ít được dùng rộng rãi.

Kiếm Nhật (日本刀)

Kiếm được rèn bằng phương pháp đặc biệt của người Nhật và nó nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới vì sự sắc bén và độ cứng phi thường cũng như vẻ đẹp của nó. Đặc điểm chính của nó là chỉ có một  lưỡi. Ở phần cán kiếm có một mẩu kim loại có tác dụng bảo vệ tay tay cầm khỏi bị thương bởi lưỡi gươm của đối phương khi chiến đấu.

Gươm (katana) vào thời Ê-đô được coi như là biểu tượng tinh thần của samurai, là biểu tượng của chế độ phong kiến. Vào thời Minh Trị ( 1868-1912) Samurai bị cưỡng bức từ bỏ vị trí của mình và katana bị nghiêm cấm. Kết quả là các sĩ quan chỉ đeo kiếm để chứng tỏ vị trí chức vụ của mình. Sau chiến tranh việc sở hữu katana bị coi là phạm pháp ngoại trừ việc coi nó như là một tác phẩm nghệ thuật.

Vườn Nhật Bản

Vườn Nhật Bản khi so sánh với vườn phương Tây về phương diện hình học  thì vườn Nhật Bản luôn được thiết kế sao cho hài hòa với phong cảnh tự nhiên. Nó hầu như là sự mô phỏng thiên nhiên với gò đất đắp cao thành hình núi, có hồ nhỏ, biển và dòng sông chảy Một vài ngôi vườn còn có kết hợp thêm cả vườn trà với các hòn đá kê rải rác (theo kiểu bước chân đi) và là  nơi để ngồi.

Thêm vào đó cũng có kiểu vườn đậm phong cách Nhật Bản là kiểu vườn khô. Đây là kiểu vườn biểu đạt cảnh đẹp mà không cần nước chỉ có đá và cát. Những ngọn đồi và các thác nước được diễn tả bằng các hòn đá và các dòng sông được biểu đạt bằng cách dùng chổi tre chải trên mặt cát tạo ra các dòng uốn lượn. Vào thời Muromachi ( 1333-1573) những khu vườn này chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những bức tranh sơn thủy đến từ Trung Hoa và rất nhiều khu vườn như thế được tạo ra trên lối vào các Thiền Viện.

Nguyễn Quốc Vương dịch từ 日本の文化を英語で紹介する事典。(A billingual Handbook on Japanese culture

Tác giả 杉浦 洋一(yoichi Sugiura) và John K.Gillespie.

Nxb Natsume (ナツメ)。Năm 2004.

Thơ truyền thống Nhật Bản: Haiku và Tanka

February 23, 2012 Leave a comment

Haiku (俳句)

Là thể loại thơ gồm có 17 âm tiết, cấu tạo theo kiểu 5,7,5. Nó được bắt nguồn từ khổ thơ của Liên ca. Nó lặp lại luân phiên các dòng 5,7,5 rồi đến 7,7. Vào thời kì Edo (1603-1867), Matsuo Basho đã  tạo dựng nên kiểu thơ Haiku hiện nay. Hai ku được phổ biến rộng rãi với tác phẩm của Masaoka Shiki vào thời kì Minh trị (1868-1912). Bởi Haiku có thể diễn tả vẻ đẹp của tự nhiên và chiều sâu trong trái tim con người với một số lượng từ cực ngắn nên hiện nó đã được phổ biến ra khắp thế giới và thậm chí ở Mĩ nó còn nằm trong chương trình giáo dục.

Quý ngôn- từ diễn tả mùa- thường xuất hiện trong Haiku nguyên thủy. Quý ngôn giúp người đọc liên tưởng đến bối cảnh và với 17 âm tiết nó diễn tả hơi thở sâu lắng của con người.

Tanka (短歌)

Là thể thơ trữ tình ngắn gọn với 31 âm tiết cấu tạo theo kiểu 5,7,5,7 và 7 được  chia làm hai phần phần một là 5,7,5 và phần hai là 7,7.Thậm chí trong tác phẩm Vạn diệp tập, tuyển tập thơ cổ nhất của Nhật được biên soạn vào thế kỉ thứ 8 đã có xuất hiện những bài thơ kiểu này. Đặc trưng của nó là sự diễn đạt toàn bộ cảm xúc trong một bài thơ ngắn cho nên nó phải có tính gợi qua các từ ngữ được dùng. Có lẽ yêu cầu cho những bài Tanka hay là nó diễn tả thông qua gợi chứ không phải là trực tiếp. Ngày nay vẫn có rất nhiều người yêu mến thể thơ này.

Nguyễn Quốc Vương dịch từ 日本の文化を英語で紹介する事典。(A billingual Handbook on Japanese culture

Tác giả 杉浦 洋一(yoichi Sugiura) và John K.Gillespie.

Nxb Natsume (ナツメ)。Năm 2004.

Nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản

February 18, 2012 Leave a comment

Koto( 琴) là một nhạc cụ dây cổ điển của Nhật làm bằng gỗ. Dài 180 cm, rộng 30 cm và được chơi bằng miếng gảy đeo ở ngón tay cái , ngón trỏ và ngón giữa của tay phải. 13 dây được căng qua một thanh chắn và độ cao thấp của nốt nhạc được xác định bởi thanh chắn này. Vào thời kì Edo ( 1603-1867), việc chơi đàn koto được coi như là điều cần thiết  gắn liền với phụ nữ và rất nhiều thiếu nữ con các gia đình danh giá tập koto từ khi còn nhỏ. thậm chí cho đến ngày nay phần lớn những người chơi Koto vẫn là phụ nữ.

Shamisen ( 三味線)  là loại nhạc cụ  dây có hình dáng như đàn banjo nhưng đặc điểm nổi bật của nó là không có phím. Nó được chơi bằng cách đánh vào ba dây bằng chiếc móng gảy và  thường được chơi kèm trong Kabuki , kịch bunraku và các bài dân ca. Nó đến từ Trung Hoa qua Okinawa và truyền ra khắp Nhật bản sau đó nó phát triển độc lập. Từ thời kì Edo (1603-1867) nó trở thành  nhạc cụ tiêu biểu của Nhật bản.

Biwa (琵琶) là nhạc cụ có dây của phương Đông. Nó có nguồn gốc ở persia và Arabia đến Nhật bản qua Ấn độ và Trung Quốc vào thời kì Nara ( 710-794). Thân đàn làm bằng gỗ có hình ô van có 4 đến 5 dây và được chơi bằng móng gảy. Nó được biết đến là nhạc cụ xuất hiện trong genji mono gatari và các câu chuyện khác và phần lớn do các nữ nghệ sĩ biểu diễn.

Nguyễn Quốc Vương dịch từ 日本の文化を英語で紹介する事典。(A billingual Handbook on Japanese culture)

Tác giả 杉浦 洋一(yoichi Sugiura) và John K.Gillespie.

Nxb Natsume (ナツメ)。Năm 2004.