Home > Nhật Bản, Văn hóa Nhật Bản > SUY NGHĨ VỀ VĂN HỌC DỊCH NHÂN DỊP TRAO GIẢI NOBEL

SUY NGHĨ VỀ VĂN HỌC DỊCH NHÂN DỊP TRAO GIẢI NOBEL


Giải thưởng văn học Nobel đã được công bố vào ngày mùng 6.  Một khi văn học Nhật Bản tham dự vào quá trình tuyển chọn của giải thì việc dịch  tác phẩm sẽ trở thành điều kiện bắt buộc. Nhân dịp công bố giải thưởng chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình nghệ thuật  Kato Norihiro và dịch giả Konosu Yukiko.

Dịch giả Konosu Yukiko (sinh năm 1963)

Thứ được dịch ra phong phú là văn học thế giới

Giải thưởng Nobel văn học năm 2011 đã thuộc về nhà thơ 80 tuổi người Thụy Điển Tomas Transtromer. Ở Nhật Bản tập thơ “Gondola buồn bã” của ông đã được dịch năm 1999.

Konosu Yukiko: Đó  là người mà hàng năm đều trở thành ứng cử viên nhỉ.

Kato Norihiko:  Năm ngoái  tôi đã có cơ hội lắng nghe câu chuyện của Michael Heim, dịch giả dịch Milan Kundera, giáo sư của UCLA(University of California, Los Angeles-người dịch chú). Khi gặp người của Viện hàn lâm Thủy Điển tôi hỏi: “Để giành được giải Nobel thì điều gì là quan trọng nhất?” và câu trả lời nhận được là: “Có được một bản dịch tiếng Thụy Điển tốt”. Dostoevskii đã nhiều lần được dịch đi dịch lại. Trong quá trình đó ý thức của dịch giả và độc giả đã thay đổi. Kết quả  có thể nói chuyện “ông Dostoevskii này cũng chịu ảnh hưởng của Kafka nhỉ”  cũng sẽ xảy ra. Dịch giả do chịu ảnh hưởng của Kafka nên đã tạo ra hiện tượng đảo ngược này vì thế dịch thực ra là “hoạt động sinh sôi” đầy thú vị.

Khi nói tới văn học thế giới thì ta có cảm giác rộng lớn nhưng văn học trong các ngôn ngữ khác nhau ở những phương diện nhỏ hơn vẫn “đang sống”. Nếu như nhìn từ những địa điểm như thế, thì cái gọi là giải văn học Nobel ở một ý nghĩa nào đó lại thật nhỏ nhoi nhưng nó lại là thứ đầy tiện lợi và làm cho người ta vui sướng. Cũng có lẽ chỉ cần nghĩ đến mức đó.

Konosu: Một điều có thể nói là văn học gắn bó với giải thưởng Nobel chủ yếu là văn học dịch. Văn học nằm ngoài các tác phẩm được viết bằng hoặc dịch sang tiếng Anh, tiếng Thụy Điển đều không phải là đối tượng. David Damrosch[1] trong tác phẩm “Văn học thế giới là gì?” đã nói rằng văn học thế giới là văn học dịch và văn học dịch tốt không phải là thứ bị mất mát khi được dịch mà nó phải là thứ nhờ đó trở nên phong phú hơn. Và đó chính là văn học thế giới. Thứ  được dịch ra nhưng không thể hiểu nổi là văn học dân tộc, văn học địa phương (cười).

Kato: Kawabata Yasunari đã từng nói với dịch giả Seidensticker rằng ông hãy nhận lấy một nửa tiền thưởng cũng chính là chuyện đó.

Tác phẩm của Murakami đã làm thay đổi văn học dịch và tiếng Nhật.

Tiếp theo, chúng ta suy nghĩ như thế nào về văn học của Murakami Haruki-người được coi như là ứng cử viên sáng giá lần này?

Kato:  Khi Murakami xuất hiện thì tôi không có mặt ở Nhật. Vào năm 1982 khi tôi trở về và hỏi người bạn thân có hiểu biết sâu về văn học rằng có nhân vật nào thú vị xuất hiện chưa thì câu trả lời có Murakami. Chẳng bao lâu tôi đọc “Một chuyến săn cừu” và có ý nghĩ  “chà, cuối cùng thì cũng có tác phẩm đích thực ra đời và thế giới đã đổi thay rồi”.Tôi khi còn là học sinh trung học năm thứ hai đã đọc “Cuộc mạo hiểm cuộc sống thường ngày” của Oe Kenzaburo và kêu lên “Trời! thật là thú vị”. Và tôi có cảm giác rằng sự xúc động phập phồng khi đọc Murakami là lần thứ hai  tôi có tiếp theo Oe tính từ trước đến nay. Haruki Murakami đã thể hiện rõ ràng  ông là sự tiếp nối Oe. Tôi cho rằng ai nhìn thì cũng thấy điều đó.

Nhà phê bình văn nghẹ Kato Norihiko (sinh năm 1949)

Konosu: Tôi biết sự yêu mến mà độc giả dành cho Murakami Haruki nhưng đối với những người có liên quan đến văn học nước ngoài thì văn phong của Murakami làm cho người ta  cảnh giác. Đó là do nó giống với kiểu văn đã được dịch nhưng thực ra không phải vậy. Vì thế những người khoảng chừng chưa tốt nghiệp đại học không đọc. Thực tế thì bằng thứ  văn phong làm người ta liên tưởng đến văn học  dịch, phong cách văn học Nhật Bản đã  bị  phê bình cao độ thể hiện rõ sau 20 năm tiếp theo. Đối với tôi, dịch giả lớn hơn tác giả. Người ta thường nói vào thời Minh Trị phiên dịch đã tạo ra tiếng Nhật và hiện thân hiện đại dễ hiểu nhất là các nhà phiên dịch kiêm tác giả. Tôi đương thời cũng làm công việc phiên dịch nên hiểu điều đó và câu văn mà tôi không thể viết 20 năm trước thì giờ đây đã có thể viết được. Sự sử dụng liên tục “cô ấy, anh ấy” cũng  đã từng  không được độc giả tiếp nhận.

Kato:  Văn phong phiên dịch đã thay đổi bởi Murakami?

Konosu: Người ta nói là đã thay đổi nhưng văn phong đó đã đồng hóa vào tiếng Nhật. Mặt khác, ngày nay các nhà văn trẻ lại cảm nhận rằng nếu lược bỏ đại từ nhân xưng đi thì không thể viết được hay chính các tác phẩm của Nhật Bản đang bị biến theo văn phong phiên dịch. Văn phong phiên dịch hiện tại đang được tiêu hóa.

Kato:  Tanizaki Ichiro đã ngạc nhiên trước văn phong phiên dịch khi đọc sửa văn mình ở giai đoạn đầu. Và ông đã kêu lên: “Tiếng Nhật là thứ gì đây?” rồi viết “Sách đọc văn chương”. Nếu nhìn vào trong dòng chảy lớn thì thấy thật là thú vị.

Tình hình phiên dịch ở trên thế giới.

Tình hình phiên dịch các tác giả ngoài Murakami

Konosu:  Ở Đài Loan, Hàn Quốc tiểu thuyết giải trí của Nhật Bản hiện đang được dịch. Ví dụ như Higashino Keigo[2]. Ở Đài Loan thì văn học dịch thường được đọc nhiều hơn là văn học của chính nước mình. Và sự phê bình cũng xuất hiện nhiều.

Trường hợp nước Mĩ thì sao?

Konosu:  Nước Mĩ thì vào năm 2008 chủ tịch Viện hàn lâm Thụy Điển đã chẳng nổi giận hay sao? Ông nói Mĩ hầu như không dịch gì cả và trở thành quốc đảo về văn hóa. Mĩ đang cô độc. Ông đã nói ra điều được diễn giải như là người Mĩ không thể giành được giải  Nobel văn học khiến cho sự việc trở nên ầm ĩ. Tỉ lệ phiên dịch xuất bản của Mĩ vào năm ngoái là khoảng 3%. Ở Nhật Bản là khoảng 8-10%. Sách phiên dịch xuất bản của Mĩ chỉ có chút ít như sách học thuật, sách liên quan đến kinh thánh, truyện tranh. Chuyện dịch ầm ầm các cuốn tiểu thuyết giải trí phục vụ sở thích những người bình dân như ở Nhật Bản là điều không thể. Tuy nhiên, gần đây ở Mĩ các nhà xuất bản tác phẩm dịch cỡ nhỏ cũng đang cố gắng. Ở Nga nghe nói  có “Nguyệt san văn học nước ngoài” và tháng tới là chuyên đề lớn về Nhật Bản.  Khi nghĩ rằng liệu Odaka Toshiki[3], Ishida Ira[4] có nằm trong số đó hay không thì lại  thấy Uchida  Hyaken[5], Yokomitsu Riichi[6] đã được dịch rất nhiều. Quả thật đây là danh sách đối ứng với Nhật Bản hiện đại
Kato:  Khi nhìn vào đội ngũ thì thấy rất ổn. Từ Uchida, Yokomitsu tới Okada là 1 quyển. Ngay cả người Nhật khi nhìn vào cũng thấy khá thú vị. Có thể cảm nhận được tính đồng thời đại với người Nga. Giá như Enjoto[7] có mặt ở đó nữa thì tốt biết mấy.

Konosu:  Đúng thế, đúng thế! Aori Jungo[8] mà có ở đó nữa thì cũng thật tuyệt nhỉ. Bản thân  tổng biên tập của “Nguyệt san văn học nước ngoài” cũng là dịch giả vì thế tác phẩm ông dịch cũng không thay đổi mấy so với Nhật Bản. Giống như là Paul Auster[9]. Tôi cho rằng cùng với thế giới âm nhạc, tính đồng thời đại đang vô cùng mạnh mẽ.

Nguyễn Quốc Vương dịch từ báo Asahi (Nhật Bản)

http://book.asahi.com/booknews/interview/2011101400002.html


[1] Giáo sư  chuyên ngành văn học so sánh, Đại học Harvard-ND

[2] Nhà viết tiểu thuyết người Nhật sinh năm 1958 ở Osaka-ND.

[3] Nhà viết tiểu thuyết, nhà soạn kịch người Nhật sinh năm 1973-ND

[4] Nhà tiểu thuyết người Nhật sinh năm 1960-ND

[5] Nhà viết tiểu thuyết, tùy bút người Nhật sinh năm 1889 mất năm 1981-ND

[6] Nhà viết tiểu thuyết, nhà thơ người Nhật sinh năm 1898 mất năm 1947-ND

[7] Nhà viết tiểu thuyết người Nhật sinh năm 1972-ND.

[8] Nhà viết tiểu thuyết người Nhật sinh năm 1979-ND

[9] Nhà tiểu thuyết, nhà thơ Mĩ sinh năm  1947-ND

  1. No comments yet.
  1. No trackbacks yet.

Leave a comment